Vì sao ngày càng có nhiều phim Việt cầu cứu khán giả mua vé?
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 18:56, 24/11/2019
Nhà sản xuất Dung Bình Dương mới lên tiếng cầu mong khán giả “giải cứu” bộ phim Ngốc ơi tuổi 17 do chị sản xuất. Song, đó không phải là trường hợp duy nhất trong năm nay.
Trước Ngốc ơi tuổi 17, lần lượt Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi và Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi đều có những động thái gần như tương tự. Tất cả cùng mong muốn lôi kéo khán giả tới rạp để tránh khỏi cảnh lỗ vốn.
Cuộc chơi phim Việt ngày càng khắc nghiệt
Đầu những năm 2010, điện ảnh Việt Nam có dấu hiệu hồi sinh nhờ các tác phẩm như Để Mai tính (2010), Cánh đồng bất tận (2010), Long Ruồi (2011) hay Cô dâu đại chiến (2011). Số lượng phim Việt trong năm lúc này còn tương đối ít, và phần đông dễ được khán giả đón nhận, giúp nhà sản xuất thu về khoản lợi lớn.
Số lượng phim Việt ra rạp mỗi năm ngày càng nhiều |
Nhưng miếng bánh thị phần ngày một bé lại. Từ chỗ chỉ có 16 tác phẩm hồi 2012, điện ảnh Việt Nam đã trình làng 38 tác phẩm trong năm 2018. Gần như tuần nào cũng có phim Việt mới ra rạp. Tại mùa cao điểm như Tết Nguyên đán, Valentine hoặc Quốc khánh, khán giả có thể chứng kiến 3-4 phim nội đối đầu với nhau.
Dần dà, nhiều dự án điện ảnh Việt nay bị coi như canh bạc “được ăn cả, ngã về không”, bởi hầu bao của khán giả là có hạn. Công chúng thường chỉ muốn bỏ tiền theo dõi các tác phẩm được ngợi khen từ sớm và giúp số ít bộ phim lập nên các kỷ lục doanh thu. Nhưng một khi đã bị ngó lơ và thất bại, kết quả cuối cùng có thể rất thê thảm.
Nhiều bộ phim gây chán ngán cho khán giả
Trong ngành điện ảnh Việt Nam, nhiều người vẫn ngầm đồng ý với nhau rằng thể loại hài hước là dễ thực hiện và thu lời nhất. Nhà sản xuất chỉ cần thuê một diễn viên hài tên tuổi, tạo ra một kịch bản gây nhiều tiếng cười, mang tính giải trí cao, là có thể thoải mái thu lợi nhuận.
Công thức ấy xem ra đã đúng trong một khoảng thời gian nhất định khi Hoài Linh từng làm mưa làm gió tại phòng vé hồi giữa thập niên 2010 với chuỗi tác phẩm Hello Cô Ba (2012), Nhà có 5 nàng tiên (2013), Tía tui là cao thủ (2016),…
Số lượng phim nội đạt chất lượng thực sự còn rất ít, trong khi phim ngoại vẫn ồ ạt đổ bộ về thị trường Việt Nam |
Song, các nhà làm phim và biên kịch đồng thời dần trở nên lười biếng, bắt đầu tạo ra nhiều tác phẩm kiểu “mỳ ăn liền”. Quá nhiều bộ phim hài hước còn khiến một bộ phận công chúng hễ nhắc tới phim Việt là chỉ nghĩ đến các tác phẩm “hài nhảm”.
Ai từng quay lưng tiếp tục quay lưng, còn sức kiên nhẫn của những khán giả từng bỏ tiền xem phim Việt cũng chỉ có hạn. Cho đến giờ, công thức giành chiến thắng cách đây vài năm không còn hiệu quả nữa. Bằng chứng là cũng có Hoài Linh, nhưng Đích tôn độc đắc (2018) đã thất bại trong dịp Tết Nguyên đán năm trước.
Trong lúc niềm tin mà khán giả dành cho phim Việt Nam cứ thế trồi sụt, phim ngoại tiếp tục bùng nổ. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, đã có 234 phim nước ngoài được cấp giấy phép phát hành tại Việt Nam trong năm 2018, tức cao hơn gấp 6 lần số lượng phim nội.
Bên cạnh các xuất phẩm bom tấn Hollywood, nhà phát hành tại Việt Nam nay còn đưa về nhiều phim châu Á, hoặc cả phim hạng B đến từ các nền điện ảnh khác nhau. Khán giả như rơi vào “mê hồn trận” mỗi lần ra rạp, và hậu quả là mảnh đất dành cho phim Việt đã ít nay lại càng hẹp hơn.
Nhiều chiêu trò mà quên đi cốt lõi chất lượng
Quảng bá là khâu cực kỳ quan trọng đối với mỗi bộ phim Việt Nam chiếu rạp. Có những tác phẩm chọn sai cách truyền thông hoặc gần như im ắng trước giờ ra rạp, rồi không được khán giả biết tới. Dạo gần đây, những lời “kêu cứu” cứ thế liên tục xuất hiện.
Đình đám nhất vẫn là trường hợp của Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016). Trước giờ phim ra rạp, Ngô Thanh Vân khóc ròng khi thông báo phim bị cụm rạp lớn nhất Việt Nam chèn ép. Sau đó, bộ phim của cô thu hơn 65 tỷ đồng.
Sự kiện Ngô Thanh Vân khóc tại buổi họp báo ra mắt Tấm Cám: Chuyện chưa kể và tố bị CGV chèn ép đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài |
Trong năm nay, khán giả đã chứng kiến 4 lời cầu cứu. Trong số này, chỉ có Thưa mẹ con đi là một bộ phim tròn trịa, ý nghĩa. Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi dễ thương, nhưng chọn cách quảng bá thiếu hiệu quả và còn nhiều mặt hạn chế. Hai bộ phim còn lại thì chỉ có chất lượng ở mức trung bình. Nhưng tất cả phải thừa nhận rằng chính những lời “kêu cứu” đã giúp một bộ phận khán giả biết đến sự tồn tại của nhóm tác phẩm.
Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn sử dụng chiêu trò công bố doanh thu ảo để thu hút khán giả. Dịp Tết Nguyên đán 2019, Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh so kè nhau từng ngày Tết với những con số cao chất ngất.
Song, hai bên còn tố nhau đã sử dụng “âm binh” trên mạng Internet để khen phim của mình hết lời và dìm đối thủ không thương tiếc. Cuối cùng, cả hai đều công bố thu hơn 100 tỷ đồng, dù chất lượng nội dung không quá nổi trội.
Phim Việt kêu cứu, trách nhiệm thuộc về ai?
Người gay gắt có thể nhìn nhận việc phim Việt kêu cứu giống như dạng “kinh doanh trên tình thương” của khán giả. Tuy nhiên, khán giả có quyền bỏ tiền ra xem tác phẩm mà mình muốn, chứ chẳng hề có trách nhiệm “giải cứu” ai cả.
Trong bối cảnh chưa có hạn ngạch điện ảnh, việc sắp xếp suất chiếu tại rạp chủ yếu phụ thuộc vào sức hút và độ ăn khách của tác phẩm. Trước khi kêu cứu vì cho rằng mình bị chèn ép, các nhà sản xuất nên tự cứu mình bằng cách đầu tư cho chất lượng dự án.
Vẫn có những phim Việt ăn khách, lập kỷ lục phòng vé mà không cần cầu cứu khán giả |
Cũng chính Ngô Thanh Vân, chị không còn khóc với trường hợp của Hai Phượng (2019). Bất chấp phần kịch bản còn nhiều lấn cấn, bộ phim đem tới những pha hành động mãn nhãn, cho thấy tâm sức của đả nữ. Và kết quả là tác phẩm hành động thu 200 tỷ đồng (tính cả doanh thu từ các thị trường nước ngoài).
Thị trường điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay luôn bị đánh giá là khó lường. Nắm bắt được tâm lý khán giả không phải là bài toán dễ. Nhưng phần đông công chúng hẳn vẫn tỉnh táo và biết đâu là tác phẩm xứng đáng để ủng hộ, đâu thì không, trong bối cảnh hiện tại.
Theo Zing.vn