Ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 25/11/2019

Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới diễn ra từ ngày 15.11 - 15.12 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức giao lưu về phòng chống bạo lực gia đình

Trong bối cảnh nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày thì những hoạt động thiết thực hướng đến việc thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng về vấn đề này càng có ý nghĩa.

Nạn nhân yếu thế

Tháng 10 vừa qua, tại một cuộc họp của Hội Phụ nữ tỉnh, tất cả mọi người đều xót xa khi nghe câu chuyện của chị Nguyễn Thị L. ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Chị L. lấy chồng ở xã Kỳ Sơn cùng huyện. Hai vợ chồng chị sinh được 2 người con. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình chị cũng có của ăn của để.

Nhưng vì ham chơi cờ bạc nên chồng chị đã tự ý cầm cố nhiều tài sản có giá trị. Đỉnh điểm là gần đây, chồng chị L. đã cầm cố cả chiếc xe máy của vợ. Nhiều lần khuyên can không được, quá chán nản chị L. thu dọn quần áo về nhà mẹ đẻ ở xã Bình Lãng. Sau đó, chồng chị đã tìm đến nói chuyện nhưng chị chưa chấp nhận quay về, anh chồng bực tức đã dùng dao chém đứt gân tay vợ.

Chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh) cho biết số vụ bạo lực gia đình liên quan đến phụ nữ và trẻ em còn khá phổ biến. Chị em có thể bị bạo hành về thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quan điểm "trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người. Từ việc đề cao vai trò của người đàn ông, hạ thấp vị trí của người phụ nữ trong gia đình dẫn đến việc đàn ông có tư tưởng độc đoán, gia trưởng.

Họ tự cho mình quyền làm chủ, đôi khi coi vợ là "tài sản" của mình nên muốn làm gì cũng được. Từ bạo lực với vợ dễ dẫn đến bạo lực với con. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực nhưng đôi khi lại coi bạo lực là chuyện riêng của gia đình, không tìm đến sự can thiệp từ phía cơ quan chức năng, các tổ chức. 

Trẻ em cũng là những nạn nhân yếu thế dễ bị bạo hành. Nhóm đối tượng trẻ em gái còn đối mặt với nguy cơ bạo lực trước sinh. Đó là tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. Nhiều gia đình muốn có con trai "nối dõi tông đường" đã tìm mọi cách để lựa chọn giới tính. Họ sẵn sàng nạo phá thai nhi là con gái. Trẻ em gái cũng dễ gặp phải vấn nạn bị xâm hại tình dục.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 9tháng  năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ hiếp dâm và xâm hại tình dục trẻ em. Đáng lưu ý là có những vụ do chính người thân trong gia đình gây nên. 

Truyền thông thay đổi hành vi

Nhận thức rõ những nguy hại của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng này. Bà Phạm Thị Phương cho biết các cấp Hội Phụ nữ luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chính sách về công tác phụ nữ.

Những năm gần đây, hội tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc phụ nữ, trẻ em. Duy trì và nhân rộng 1.287 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em như "Gia đình hạnh phúc bền vững", "Phòng chống bạo lực gia đình", "Mẹ và con gái"...

Trong năm nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 1.150 thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện, đại diện lãnh đạo UBND và cán bộ phụ trách từ cấp huyện đến thôn, khu dân cư; 3 buổi tập huấn nâng cao năng lực về BĐG và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 265 cán bộ nữ của các huyện Nam Sách, Thanh Miện và TP Hải Dương. 

Hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 3 buổi tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho 536 cán bộ làm công tác BĐG, thông tin tuyên truyền tại các thôn, khu dân cư của các huyện Nam Sách, Thanh Hà và TP Chí Linh.

Sở triển khai các hoạt động của 5 mô hình BĐG tại Tứ Kỳ, Bình Giang, Nam Sách và TP Hải Dương. Các hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức và nhân dân trong việc thúc đẩy thực hiện BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 

THANH NGA