Những cô giáo cắm bản nơi lũ dữ, lặn lội đến từng nhà "bắt" học sinh đến trường
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:00, 25/11/2019
Giáo viên cắm bản nơi lũ dữ
Từ Hà Nội, vượt hơn 350 km đến thành phố Hà Giang - cột mốc biên giới quốc gia Km số 0, chúng tôi chọn địa điểm của huyện Quản Bạ, một trong những huyện nghèo nhất cả nước.
Đón chúng tôi, cô giáo Nguyễn Hương Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang) chở bằng xe máy tiếp tục vượt 30km đường núi để vào điểm trường khó khăn trong xã.
18 năm công tác, cô Hương Giang vẫn ngày ngày lặng lẽ cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục ở Tả Ván. Quãng thời gian đó đủ để những dấu chân của cô in hằn trên những cung đường khúc khuỷu sát biên giới, làm bạn với “mây mù gió núi”.
Cô Giang quê ở TP Hà Giang, xung phong lên công tác và chọn nơi đây để xây dựng tổ ấm hạnh phúc của bản thân. Vừa đi, cô vừa chỉ cho chúng tôi những chỗ từng bị lũ quét tháng trước, nước từ dưới sông từng dâng lên quá mặt đường, ngập cả cây cầu độc đạo đi vào điểm trường khiến các thầy cô bị chia cắt, cô lập nhiều ngày trời.
Mùa mưa lũ năm nào cũng vậy (từ tháng 7 đến hết tháng 11), các thầy cô và học trò luôn phải trang bị đủ kỹ năng để giữ an toàn, ngoài vùng lũ quét qua.
Trường Mầm non Tả Ván được thành lập từ năm 2005, có tổng cộng 8 điểm trường lẻ và 22 giáo viên đừng lớp. Trước khi mỗi dịp năm học mới bắt đầu, các cô giáo lại lo lắng thiếu thốn về cơ sở vật chất, một số điểm trường thường xuyên bị lũ quét sạch cửa nhà, đa số đều học nhờ ở nhà văn hóa, trụ sở thôn.
Cô Giang cho biết số lượng giáo viên hiện thiếu ít nhất là 5 biên chế, chưa kể nhân viên y tế, kế toán, công đoàn và nhà bếp… Mỗi một cô giáo ngoài việc dạy học đều phải kiêm thêm hai, ba nhiệm vụ.
Sau mùa mưa là lúc những cô giáo “chân yếu tay mềm” chịu nhiều cực nhọc nhất. Lũ đi qua, hàng tấn đá và bùn đỏ bám dày đặc quanh lớp học, chẳng còn đồ dùng nào sử dụng được. Cứ thế, các cô xắn tay áo lên mà dọn dẹp, cào bùn, xúc đất, sửa đường điện và tự lợp lại mái nhà tránh mưa dột.
Nhà giáo ở vùng cao phải biết mọi thứ, đa năng và cũng quen với nhiều cái không: không lớp, không nhà công vụ, không khen thưởng và đặc biệt không nản chí. Cứ thế, các cô gắng dọn dẹp một tuần, một tháng trôi qua, rồi cuối cùng lớp học lại khang trang, sẵn sàng rộn tiếng trẻ cười vui tựu trường. Chỉ cần thấy trẻ đến trường đông đủ là cô Giang lại sáng ngời niềm tin.
Bắt cô giáo uống rượu mới cho con đến lớp
Tiếp tục chuyến hành trình, men theo những vách núi, đoạn đường nào dễ thì đi xe máy, đoạn nào chông chênh, hiểm trở chỉ có thể đi bộ. Sau hơn một tiếng di chuyển, chúng tôi đến với điểm trường lẻ Xì Pan.
Thấy chúng tôi từ xa, cô giáo Dương Thị Nguyệt rơi nước mắt vì có người tới thăm, xua đi nỗi cô đơn dài như đường biên giới bên kia đồi.
Là cô gái Tuyên Quang xinh đẹp nhưng cô Nguyệt xung phong lên đây dạy học được 9 năm 2 tháng. Mục đích ban đầu đi dạy học vùng cao là mong có được công việc ổn định, phù hợp với ngành học. Cô tính sau vài năm sẽ về dưới xuôi với bố mẹ.
Nhưng bằng lòng thương, sự đồng cảm với cái khó nơi “rừng thiêng nước độc” mà cô quyết định “hợp lý hóa” một nửa của mình lên đây cùng xây dựng kinh tế mới. Tuy vậy, từ trường về nhà cũng phải hơn nửa ngày di chuyển nên cô Nguyệt chỉ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về với chồng và 2 cô con gái đang học lớp mầm.
Từ điểm trường lẻ sang biên giới Việt - Trung chỉ cách chưa đầy 20 phút di chuyển nên thiếu thốn và thưa thớt dân cư vô cùng. Cô Nguyệt chia sẻ hầu như ngày nào cũng phải đi đến từng nhà dân để vận động cho các em đến lớp. Nhiều bé 5 tuổi phải đi làm nương hoặc theo bố mẹ vượt biên sáng đi, tối về quên cả học chữ.
Đa phần các phụ huynh vùng cao dần nhận thức được việc cho con tới lớp. Họ cũng rất quý cô giáo, đặc biệt tin tưởng và kính trọng; có măng rừng, rau rừng họ đều mang cho giáo viên. Dù vậy, nơi đây cũng còn nhiều gia đình sợ cô giáo đến vận động cho con đi học vì không có ai trông em, làm việc nhà để họ đi nương rẫy.
Có lần cô Nguyệt đến vận động, phụ huynh đóng cửa trốn trong nhà, rồi lẩn ra sau, chạy đi uống rượu. Hơn nửa ngày trời, phụ huynh ngả nghiêng say rượu đi về, bị cô giáo “tóm” mới chịu nói chuyện cho con đi học. Thậm chí có nhà bắt cô giáo ngồi uống rượu cùng rồi sẽ đồng ý cho con đến lớp, nếu không nhất quyết cho trẻ đi làm nương rẫy.
Ban đầu cô Nguyệt đến với vùng cao là đầy rẫy những ngạc nhiên, bỡ ngỡ và nhụt chí, nhưng rồi “sống đâu âu đấy” quả không sai, cô Nguyệt nói giờ có cho về xuôi dạy học cô cũng khó lòng “dứt áo” ra đi. Bởi cô lo khi về rồi thì ai lo cho các con miếng ăn, cái chữ, ai vận động các con tới lớp để đỡ vất vả.
Cứ thế, qua hết “năm nọ tháng kia”, các cô giáo cũng hòa mình với vùng cao, chẳng quan trọng hy sinh những gì, chỉ cần các con cười vui tới lớp mỗi ngày là điều an ủi nhất.
Theo VTC News