Nguyên trung úy cảnh sát giao thông bắn chết bạn trai con người tình hầu tòa

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 09:43, 29/11/2019

Sáng 29.11, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử nguyên trung úy cảnh sát giao thông Nguyễn Tấn Phước, công tác tại Công an Đồng Nai, người đã bắn chết bạn trai con gái người tình.


Nguyên trung úy CSGT Nguyển Tấn Phước (Phước "đen" ) được cảnh sát áp giải đến tòa

Lúc 8 giờ sáng nay bị cáo Phước (còn gọi là Phước "đen") đã được cảnh sát áp giải đến tòa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi, cựu trung úy Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Đồng Nai) bị truy tố về hành vi "giết người" và "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Tòa cũng triệu tập nhiều lãnh đạo có liên quan gồm: ông Lê Hồng Hà, nguyên Trưởng phòng hậu cần Công an Đồng Nai; thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT); trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng Phòng CSGT; Đào Tuấn Anh, nguyên Phó Phòng CSGT… Đây là những người có liên quan đến trách nhiệm cấp súng cho Nguyễn Tấn Phước để bảo vệ thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo trạng, trước thời điểm gây án, trung úy Nguyễn Tấn Phước thuộc quân số của Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.

Phước có quan hệ tình cảm với bà Nguyễn Hoài Trang (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa). Bà Trang có con gái tên Nguyễn Phúc Quỳnh Như (20 tuổi). Do Như có quan hệ tình cảm với Bùi Việt Hải (31 tuổi, quê Hải Phòng) và thường đi theo Hải nên Trang nhờ Phước đi tìm kiếm để khuyên Như về nhà.


Phước "đen" đã được dẫn giải vào tòa

Tối 6.1.2018, sau khi đi nhậu, Phước về Phòng CSGT lấy khẩu súng rulo (được cấp từ năm 2010 nhưng bỏ trong tủ cá nhân) rồi bỏ vào túi xách rồi chạy xe về nhà. Trên đường về, Phước nhớ người tình nhờ tìm kiếm Nh. nên dò hỏi khu vực, chỗ ở của Hải.

Khi tìm đến khu nhà trọ ở gần cổng 1 sân bay Biên Hòa, Phước bước vào nhà trọ thì gặp Bùi Việt Hải. Phước hỏi Hải để xác định đúng người. Hải bảo không biết Như ở đâu. Phước rút súng bắn vào đầu Hải làm nạn nhân ngã gục. Hải được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Theo cáo trạng, sau khi gây án, Phước tiếp tục hẹn bạn mình là Trần Tấn Sinh đi nhậu, kể lại chuyện bắn Hải cho cho Sinh nghe, nhờ Sinh nhận tội thay. Sinh đề nghị Phước đầu thú, còn Sinh mang khẩu súng rulo và ổ đạn còn lại nộp cho công an.

Cũng theo cáo trạng, Phước từng là lái xe cho thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Ngày 9.3.2010, Phước làm giấy đề nghị Phòng hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai cấp một khẩu súng để bảo vệ thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh. Sau đó, ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần phê duyệt và Phước được giao một khẩu súng rulo 38 cùng 50 viên đạn để bảo vệ giám đốc.

Đến ngày 31.10.2012, Nguyễn Tấn Phước được điều động từ Phòng Hậu cần sang Phòng CSGT. Tháng 9.2014, Phòng Hậu cần có công văn về việc chuyển khẩu súng rulo trên sang Phòng CSGT và được thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh phê duyệt.

Phòng hậu cần lập biên bản chuyển khẩu súng trên cho Phòng CSGT (không có giấy phép sử dụng), nhưng việc tiếp nhận chỉ thể hiện trên văn bản, còn thực tế Phước vẫn sử dụng súng. "Mặc dù súng không có giấy phép sử dụng, khi ông Khánh về hưu, Phước vẫn không giao nộp súng cho đơn vị quản lý súng mà dùng súng bắn chết Bùi Việt Hải", Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cáo buộc.

Liên quan đến vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đã có kết luận, trong đó có quy trách nhiệm cho thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh và một số cá nhân có liên quan, kể cả lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.

Vì sao cơ quan điều tra đề nghị khởi tố trưởng phòng CSGT Công an Đồng Nai?

Tháng 9.2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai đã kết luận điều tra bổ sung vụ việc trên và thống nhất với các cơ quan tố tụng tách hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng CSGT để xem xét xử lý sau.

Vì vậy, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng nhận định việc cấp súng cho Nguyễn Tấn Phước có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, diễn ra trong thời gian dài nên các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai thống nhất tách ra thành vụ án khác để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó cơ quan cảnh sát điều tra đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an về việc xử lý trách nhiệm đối với thượng tá Đặng Thế Trung. Sau đó, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thẩm định hồ sơ và có ý kiến cho rằng thượng tá Trung là người chỉ huy cao nhất ở Phòng CSGT, không trực tiếp quản lý súng nên không phải là chủ thể của tội phạm.

Tuy nhiên, văn phòng cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng thượng tá Trung đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng cấp cho đơn vị để Nguyễn Tấn Phước sử dụng súng không phép, không thuộc trường hợp được phân công nhiệm vụ trong thời gian dài nhưng không chỉ đạo thu hồi theo quy định.

"Hành vi của thượng tá Trung có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 360 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 cần phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật"- Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khẳng định.

Cũng theo Bộ Công an, năm 2013 thượng tá Trung khi làm phó phòng CSGT đã từng bị kỷ luật cảnh cáo vị liên quan đến việc để thuộc cấp bắn chết Phó trạm CSGT Dầu Giây Trần Ngọc Sơn… Ban giám đốc Công an Đồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo rà soát, quản lý súng nhưng các lãnh đạo Phòng CSGT vẫn buông lỏng quản lý súng để Phước nổ súng chết người, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Theo Tuổi trẻ