Động lực thúc đẩy kinh tế khu An Phụ phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 17:18, 29/11/2019

Sự đầu tư lớn của tỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông cùng dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương chuẩn bị đi vào hoạt động đang mở ra những hướng phát triển mới cho khu An Phụ của thị xã Kinh Môn.


Cầu Mây được xây dựng tạo thuận lợi cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế khu An Phụ phát triển

Chủ yếu là nông nghiệp

Thị xã Kinh Môn được chia làm 4 khu gồm Tam Lưu, Nhị Chiểu, nam An Phụ và bắc An Phụ. Trong đó khu nam và bắc An Phụ (gọi chung là khu An Phụ) gồm các phường An Phụ, Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Thái, Thất Hùng và các xã Quang Thành, Lạc Long, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Thăng Long, Bạch Đằng, Lê Ninh.

Những năm qua, các khu vực có sự phát triển kinh tế không đồng đều. Từ khi có cầu An Thái, Hiệp Thượng, Đá Vách, khu vực Tam Lưu, Nhị Chiểu đã có những bứt phá mạnh mẽ, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển rất nhanh, trong khi khu An Phụ kinh tế vẫn không có nhiều thay đổi.

Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế khu An Phụ kém phát triển là do giao thông hạn chế. Nếu từ TP Hải Dương đi về các xã, phường của khu An Phụ, ngư ời dân phải đi qua phà Mây hoặc phà Triều. Mặc dù đường gần hơn nhưng qua phà bất tiện, xe tải trọng lớn không thể đi được. Nếu đi từ khu này đến Hải Phòng bằng đường bộ thì phải qua đường 389B khá xa và đường cũng đã xuống cấp.

Những năm qua, khu An Phụ chủ yếu phát triển nông nghiệp. Các xã, phường ở đây có sản phẩm nông nghiệp khá đa dạng, nhiều sản phẩm đã trở thành nông sản chủ lực của thị xã như sắn dây, hành, tỏi, nếp cái hoa vàng...

Ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thành (xã được sáp nhập từ xã Quang Trung và Phúc Thành) cho biết: "Trước đây, Quang Trung là xã thuần nông, tỷ trọng dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp của xã không cao. Còn Phúc Thành chủ yếu phát triển dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp do đất đai đã dành phần lớn để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Khi sáp nhập 2 xã này, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên nhưng không đáng kể, vẫn cơ bản là xã thuần nông".

Khai mở từ giao thông, công nghiệp

Nói về cơ hội mới của khu An Phụ, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết: "Chỉ một thời gian ngắn nữa, kinh tế khu An Phụ sẽ phát triển sôi động, xóa nhòa sự chênh lệch với khu Tam Lưu và Nhị Chiểu. Động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển do một số công trình giao thông, nhà máy lớn đang và sẽ được đầu tư ở khu vực này".

Cầu Mây nối huyện Kim Thành với thị xã Kinh Môn do tỉnh đầu tư đang được tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành vào tháng 6.2020. Cầu Triều do tỉnh Quảng Ninh đầu tư cũng đã khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Để tạo sự đồng bộ, tỉnh còn đầu tư một số tuyến đường kết nối các cầu này.

Đó là hệ thống đường từ cầu Triều đến đường tỉnh 389, dài 4,2 km, giai đoạn 1 có mặt rộng 12 m, tổng kinh phí gần 192 tỷ đồng đang triển khai giải phóng mặt bằng.

Đường 389B từ cầu An Lưu 1 đến đường 389 dài 12 km đi qua các xã An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Hiệp An, tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Một số tuyến đường xã, liên xã trong khu vực An Phụ cũng được tu sửa, mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong và ngoài tỉnh.

Cùng với phát triển giao thông, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đặt tại xã Quang Thành sắp đưa vào vận hành đã và sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ của khu vực này.

Dọc trục đường vào Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương và các khu vực lân cận, người dân đã mở các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán các mặt hàng tiêu dùng... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Trước những cơ hội mới, thị xã Kinh Môn đã có những định hướng cụ thể để phát triển cho từng xã, phường. Các xã Thượng Quận, Hiệp Hòa, Bạch Đằng được định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thị xã quy hoạch 2 cụm công nghiệp quy mô 50 ha/cụm ở phường Thất Hùng và xã Thăng Long để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

Khai thác lợi thế của các tuyến sông, thị xã Kinh Môn sẽ phát triển một số cảng thủy nội địa ở các xã Thăng Long, Lạc Long, phường Thất Hùng để tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Phường An Sinh có khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ được định hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh và các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch. Thị xã còn quy hoạch nhiều khu dân cư mới ở các xã, phường Quang Thành, Lạc Long, An Phụ...

Với những điều kiện thuận lợi mới, hy vọng kinh tế của các xã khu vực An Phụ sẽ có những chuyển biến tích cực, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

THANH HÀ