Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:38, 30/11/2019
Clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Theo công bố của We are Social và Hootsuite (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội một dịch vụ quen thuộc với các blogger) về digital Việt Nam, tại Việt Nam, internet và mạng xã hội đang đà tăng tốc ngoạn mục, phát triển với tốc độ chóng mặt.
Năm 2018, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Hiện có 400 mạng xã hội được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó Facebook có khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số và là 1 trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng Facebook lớn nhất thế giới. Trong đó, lượng người đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau.
Về ứng xử văn hóa của giới trẻ trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận những điều tích cực mà mạng xã hội mang lại khi nó lan tỏa nhiều kiến thức giá trị, kết nối con người lại với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện. Thực tế đã chứng minh, nhiều hệ lụy đau lòng xảy ra trong cuộc sống, nhất là với giới trẻ từ thế giới ảo của mạng xã hội. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi có thể tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống nhưng cũng làm hư hoại giá trị tốt đẹp vốn có.
Một số chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng về đặc điểm tâm lý giới tính nữ có những vấn đề đáng lưu ý. Nữ sinh thường rất nhạy cảm, hay để ý những điều nhỏ nhen, thay đổi thất thường, cảm xúc không ổn định và khó kiểm soát. Sự hiềm khích, ghen tị, đố kỵ xảy ra nhiều nhất giữa các bạn nữ cùng trang lứa với những lý do nhỏ nhặt, bắt nguồn từ các mối quan hệ không thỏa mãn mong muốn của bản thân.
Các em nữ đánh nhau nhiều khi vì những lý do rất trái khoáy như tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp
Học sinh nữ, nhất là bậc THCS và THPT đã và đang trải qua tuổi dậy thì - giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý, nhất là nhu cầu mong muốn thể hiện mình và muốn mình là tâm điểm của mọi sự chú ý. Hơn nữa, các em gây sự, bạo hành với đối phương nhằm mục đích là tung hô cho thiên hạ biết "chiến tích" của mình.
Các em nữ đánh nhau nhiều khi vì những lý do rất trái khoáy như tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp. Về tiến trình bạo hành cũng không diễn ra ngay mà có sự tính toán và chuẩn bị (có khi từ một nhóm mà nhóm kia không biết). Vì thế, khá nhiều vụ bạo hành do nữ sinh gây ra không diễn ra trong khuôn viên trường học mà ở một địa điểm có lợi cho bên gây sự và thường kèm theo hung khí.
Theo các chuyên gia, giải pháp cấp thiết góp phần xóa nạn bạo lực học đường chính là phía phụ huynh, cần chú ý hơn nữa trong việc cải thiện mối quan hệ trong gia đình lành mạnh. Cha mẹ luôn quan tâm, điều chỉnh hành vi, cử chỉ của con cái trong đối xử với bạn bè, với người yếu thế hơn mình, không nên phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Bên cạnh đó, người mẹ phải thường xuyên chia sẻ, động viên và giáo dục cho con gái hiểu được những tính cách cần thiết như sự nhường nhịn, rộng lượng, lòng vị tha.
Về phía nhà trường, cần đưa những chương trình giáo dục mang tính nhân văn, các hoạt động thân thiện, xây dựng văn hóa học đường, đưa nội dung dạy kỹ năng sống, giá trị sống vào thành môn học sinh động theo từng cấp học. Phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như các chuyên viên tư vấn học đường để kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm các biểu hiện dẫn đến xung đột, nhất là chia sẻ cùng các em những khó khăn tâm lý trong mối quan hệ, trong đó có quan hệ tình yêu nam nữ.
Theo báo Dân sinh