Hoài niệm về người con gái quê

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:46, 01/12/2019

"Thăm bến sông xưa" là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Hà Cừ...

"Thăm bến sông xưa" là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Hà Cừ, in trong tập "Những dòng sông cùng chảy" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2007, in chung với các nhà thơ Kim Chuông, Tô Ngọc Thạch, Trọng Khánh, Vũ Thành Chung. Ta gặp ở đây với những vần thơ nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, nói được nhiều điều, gợi những suy ngẫm, liên tưởng, nhất là kỷ niệm, năm tháng đã qua, cái "tạng" của Hà Cừ là vậy - "Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ".

Từ "Gió chân mây", tập thơ đầu tay xuất bản cách đây gần hai chục năm lúc nhà báo, nhà thơ Hà Cừ mới bước vào ngưỡng cửa vườn thơ nhưng đã hứa hẹn một cây bút còn đi xa hơn. Gần đây trong vòng một năm, Hà Cừ cho in hai tập thơ cũng của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, với tựa đề "Hai, bốn và những bài thơ khác" và "Buông", gợi cho ta nhiều ngẫm ngợi "Vẫn là hoa cỏ đường quê/Mà sao làm rối bước về chiều nay".

Vẫn một giọng thơ giàu liên tưởng, bài thơ "Thăm bến sông xưa", thực ra là "thăm" người xưa - tác giả dùng hình tượng ẩn dụ như vậy, ghi lại cảm xúc khi trở lại bến sông xưa, nơi có nhiều kỷ niệm thời còn "Tụm năm tụm bảy... xanh tươi gió đồng", nhưng nay đã khác đi nhiều lắm. Cảm xúc bao trùm cả bài thơ là những kỷ niệm, sự tiếc nuối một thời bạn bè "vô tư", trong đó có hình ảnh, thân phận người con gái đã đi lấy chồng, không những có con mà lên "chức" bà và tâm trạng của tác giả trước sự đổi thay vần vũ ấy. Mở đầu bài thơ, tác giả viết "Ta về thăm bến sông xưa/Cải xanh nay đã thành dưa nhà người" - một liên tưởng dầu dĩ không mấy vui. Sau đó là sự giãi bày "Ta về em chẳng còn không/Tất ta tất tưởi gánh gồng lo toan/Vẫn là cái nết chăm ngoan/Tảo tần mưa nắng - nết làng thương sao". Đến đây, mạch thơ lại chuyển sang một trạng thái khác, một cung bậc cảm xúc trước việc người con gái đã lấy chồng. Và, ở bến sông, bến đợi ấy có tiếng sóng. Sóng dòng sông hay sóng lòng "Bờ sông sóng vẫn dạt dào/Cỏ xanh dẫn lối "lạc" vào bến xưa". Hà Cừ đã tạo ra một không gian mở để nói lên sự biến đổi của người con gái "từ lúc tuổi còn xanh" nay đã lên bà. Nói đến không gian trong văn học - nghệ thuật có hai phạm trù. Một là không gian phản ánh nhằm ghi lại hiện trạng một hình ảnh "thật" mang tính tự nhiên như bờ sông, gió thổi, cỏ cây... Hai là không gian sáng tạo. Không gian sáng tạo phục vụ cho ý định của tác giả để từ đó tứ thơ vụt lên hòa quyện với không gian phản ánh, tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bài thơ "Yêu" của nhà thơ Thế Lữ in trong Tự Lực Văn đoàn. Tác giả tạo cảnh không gian "Ta đi thơ thẩn trong vườn mộng/Em nấp sau hoa khúc khích cười/Ngừng bước ta còn đang bỡ ngỡ/Lẳng lơ em ngắt đóa hồng tươi"... Để rồi sau đó "Miệng cười trong lúc nhắm chua cay". Ở "Thăm bến sông xưa", Hà Cừ đã tạo ra không gian mới, đẩy lên cao thay cho tiếng lòng. "Bờ sông sóng vẫn dạt dào/Cỏ xanh dẫn lối "lạc" vào bến xưa" mà không phải "đi" vào, nếu đi vào thì không hay. Giữa khung cảnh "lạc" ấy thì "Tiếng bà ru cháu giữa trưa nắng vàng" để nỗi niềm tác giả "Gió chừng như cũng ngổn ngang/Hàng cau đứng lặng nhuộm vàng ngày xa", một sự bâng khuâng, xa xót. Tứ thơ hay là thế.

Cả bài thơ lục bát có 16 câu nhuần nhị, dễ thương đặt trong bốn khổ bố cục chặt chẽ, logic, có mở, có kết. Từ lúc về thăm đến khi gặp lại cảnh cũ, người xưa, tâm trạng của tác giả bồi hồi, xao xuyến: "Cải xanh nay đã thành dưa nhà người" và gói lại trong sự nuối tiếc "Bến sông vẫn bến sông nhà/Gió sao lạnh thế lòng ta ngày về!..." là một sự thống nhất hoàn chỉnh.

Bài thơ dừng, ý thơ chưa dứt, gợi người đọc ngẫm ngợi, liên tưởng...

Thăm bến sông xưa

Ta về thăm bến sông xưa
Cải xanh nay đã thành dưa nhà người
Còn đâu khúc khích nụ cười
Tụm năm, tụm bảy... xanh tươi gió đồng

Ta về em chẳng còn không
Tất ta tất tưởi gánh gồng lo toan
Vẫn là cái nết chăm ngoan
Tảo tần mưa nắng - nét làng thương sao

Bờ sông sóng vẫn dạt dào
Cỏ xanh dẫn lối "lạc" vào bến xưa
Giật mình tiếng võng nhẹ đưa
Tiếng bà ru cháu giữa trưa nắng vàng

Gió chừng như cũng ngổn ngang
Hàng cau đứng lặng nhuộm vàng ngày xa
Bến sông - vẫn bến sông nhà
Gió sao lạnh thế lòng ta ngày về!...

Tháng 3.2007

HÀ CỪ