Tiếng cười làm nên danh hiệu
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 10:48, 01/12/2019
Cuối tháng 8 vừa qua, nghệ sĩ Văn Cường (bên trái) được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
Bươn chải
Nói rằng NSƯT Văn Cường là con nhà nòi nghệ thuật cũng không quá bởi anh sinh ra, lớn lên trong một gia đình có cha mẹ và các chị em đều là diễn viên chèo. Cha anh từng là lãnh đạo Đoàn Chèo tỉnh Hải Hưng những năm chống Mỹ. Khi mới chập chững bước đi, cậu bé Cường đã phải theo cha mẹ đi lưu diễn khắp nơi trong tỉnh.
Trong khi cha mẹ biểu diễn thì con trai được nằm trong cánh võng mắc dưới gầm sân khấu. Vì thế từ tuổi ấu thơ, cậu đã được tiếp xúc, làm quen với ánh sáng và âm thanh sân khấu nghệ thuật.
Học hết bậc phổ thông, anh đi bộ đội và sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Anh làm thuyết minh, chiếu phim, tham gia diễn kịch... Rèn luyện trong quân ngũ được 4 năm, đến tháng 11.1988 anh xuất ngũ.
NSƯT Văn Cường sinh năm 1966, cầm tinh con ngựa nên muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực. Anh làm thợ cơ khí, hàn điện, hàn hơi nhưng bươn chải giữa trường đời được mấy năm thì máu nghệ sĩ nổi lên đưa anh trở về với nghiệp diễn viên.
Bước vào kịch chuyên nghiệp, anh không khỏi lo lắng nên chuyên tâm học lại từ đầu. Bấy giờ, các nghệ sĩ Trịnh Thái, Xuân Ba, Xuân Bốn, Hồng Kiên, Trung Cường, Mai Khương đã có tên tuổi, thành tích, còn anh mới mon men bước vào nghề.
Lúc đó, anh quyết tâm học tập, rèn luyện để theo kịp đàn anh đi trước. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang tin cậy đã giao cho anh vai “Lỏi", một đàn em của tướng cướp giật Năm Sài Gòn, trong vở kịch nói “Bỉ vỏ”.
Vai diễn khá thành công, được mang đi lưu diễn ở các vùng quê trong và ngoài tỉnh. Năm 1990, nghệ sĩ Văn Cường lấy vợ, cũng là năm anh xin ra khỏi đoàn kịch. Máu nghệ sĩ trong người bùng lên, anh quyết đi vay tiền, hùn vốn, mua sắm đồ nghề, trang thiết bị, phông màn, xe cộ, tuyển mộ diễn viên để thành lập Đoàn ca - nhạc - xiếc tuổi trẻ Hải Dương, một mô hình nghệ thuật mới.
Anh làm trưởng đoàn, kiêm luôn cả diễn viên. Để có thể điều hành, anh vừa làm vừa học chuyên môn, biết biểu diễn các tiết mục xiếc khá điêu luyện như đế kiếm leo thang, đi con lăn chồng cốc và cả những pha hài hước rất ấn tượng.
Năm 1993, Đoàn Kịch tỉnh Hải Hưng do ông Nguyễn Sơn Tùng làm đoàn trưởng, đang xúc tiến dựng vở mới. Ông Tùng sực nhớ đến Văn Cường, bèn gọi về bảo: "Thế nào, trải nghiệm đủ chưa? Về kịch đi. Có một vai diễn hợp với tạng của cậu đây”. Thế là bỏ cả Đoàn ca - nhạc - xiếc tuổi trẻ Hải Dương cho ông anh họ trông nom, anh về với kịch trong sự đón nhận của mọi người.
Về đoàn lần này, anh trưởng thành hơn nhiều. Chàng trai gần ba chục tuổi, từng qua quân ngũ, làm thợ cơ khí rồi lênh đênh trên các nẻo đường Nam Bắc, anh đã tích lũy nhiều vốn sống. Anh vừa diễn, vừa học thầy, học bạn, say mê. Anh học đại học văn hóa để có thêm tri thức làm nghệ thuật. Anh còn học lớp bồi dưỡng và chỉ huy đêm diễn, trợ lý đạo diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức. Thấy anh năng nổ, đoàn giao thêm công việc tổ chức các điểm diễn, đi giao dịch, tìm kiếm thị trường.
Nghệ sĩ Văn Cường có ngoại hình thấp bé nên các đạo diễn rất khó phân vào vai chính như vua quan, hoàng tử hay những đại gia, giám đốc công ty bệ vệ. Anh chỉ được nhận những vai phụ, đệm giữa những lớp kịch trong vở hoặc là những nhân vật hài hước, gây cười. Thậm chí có vai diễn chỉ xuất hiện trên sân khấu vài ba phút, thế nhưng lại gây ấn tượng.
Năm 1995, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế, đoàn diễn vở kịch “Qua dòng” do Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Huyền đạo diễn. Văn Cường sắm vai chiến sĩ công an. Ban tổ chức tìm trong tờ chương trình không có tên nhân vật và tên diễn viên đâu vì vai ngắn quá. Được lãnh đạo đoàn bổ sung, thế là người ta ghi trong giấy chứng nhận: Tặng huy chương đồng cho nghệ sĩ Văn Cường sắm vai chiến sĩ công an…
Ấn tượng vai hài
Năm 2011, Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã tạo dấu son cho anh trên con đường nghệ thuật. Đạo diễn - NSƯT Đức Trung dựng vở hài kịch "Qua sông" của tác giả Thu Anh, nghệ sĩ Văn Cường sắm vai người chồng, một vai diễn ngắn nhưng để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng thành phố biển.
Sự hài hước, dí dỏm của anh gây nên tiếng cười nghiêng ngả, không hời hợt mà lặng sâu. Tiếng cười có sức lan tỏa, gửi vào cuộc đời một thông điệp: Chớ thấy hiện tượng bề ngoài gai góc mà làm mất đi cái tốt đẹp, nhân văn chứa chất bên trong.
Nghệ sĩ Văn Cường ẵm tấm huy chương vàng toàn quốc trong sự vui mừng của bạn bè. Rồi chỉ 4 năm sau, năm 2015, tại Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa, anh sắm vai Thủy trong vở “Gió từ cánh đồng” do Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú đạo diễn, giành huy chương bạc…
Cũng từ những thành công trong học tập và công tác, anh được bổ nhiệm Trưởng đoàn Ca múa kịch, ít lâu sau làm Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn, nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Cuối tháng 8 vừa qua, nghệ sĩ Văn Cường được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Làm lãnh đạo nhưng anh vẫn lên sân khấu sắm vai khi cần thiết. Anh cho biết muốn diễn tốt, nghệ sĩ phải hiểu rất kỹ về lai lịch thân phận, cá tính của nhân vật. Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng khi hiểu rõ thì diễn viên mới lột tả được thần thái của nhân vật. Chính vì thế, anh diễn ở đâu cũng được khán giả nhớ.
Từng sống trong quân ngũ, bươn chải làm nhiều nghề, đủ cả thăng trầm, đầy vơi mặn nhạt… nhưng nghệ sĩ Văn Cường trước sau vẫn thiết tha với kịch, nhất là có duyên với hài kịch, với tiếng cười.
KHÚC HÀ LINH