Chiêu trò đội giá xe SH?
Kinh tế - Ngày đăng : 12:56, 01/12/2019
Nhiều đại lý Honda thông báo đã hết hàng xe SH đời 2019 trong khi mẫu SH đời 2020 chỉ mới ra thị trường loại 125 phân khối.
Chưa ra cửa hàng đã tăng giá
Thời điểm này, các đại lý xe máy Honda tại TP Hồ Chí Minh báo giá bán tất cả phiên bản xe cao hơn giá đề xuất của hãng (giá hãng - PV) ít nhất 1-3 triệu đồng/chiếc. Trung bình, xe Vision bản tiêu chuẩn giá 31,2 triệu đồng/chiếc, bản cao cấp 34,3-34,5 triệu đồng/chiếc, bản đặc biệt 34,9 triệu đồng/chiếc (cao hơn giá hãng 1-4 triệu đồng/chiếc). Xe Air Blade, Lead cao hơn giá hãng 1-3 triệu đồng/chiếc; SH Mode cao hơn 3-8 triệu đồng/chiếc.
Riêng dòng xe sang SH, chênh lệch giá đặc biệt lớn, dao động từ 11-23 triệu đồng/chiếc, tùy mẫu. Chẳng hạn, SH 150 ABS đen mờ đời 2019 đang giao dịch mức 114,2 triệu đồng/chiếc (cao hơn giá hãng 23 triệu đồng/chiếc); SH 150 CBS 98,6 triệu đồng/chiếc (cao hơn giá hãng 9 triệu đồng/chiếc); SH 125 ABS giá 87,4 triệu đồng/chiếc (cao hơn giá hãng 11 triệu đồng/chiếc)…
Càng về cuối năm, giá xe SH càng tăng cao
SH 125 đời 2020 mới ra thị trường cũng đang bị thổi giá: bản ABS bán 91,8 triệu đồng/chiếc (giá hãng 78,990 triệu đồng/chiếc); CBS 84,2 triệu đồng/chiếc (giá hãng 70,990 triệu đồng/chiếc).
SH 150 đời 2020 dù chưa chính thức chào bán nhưng các đại lý liên tục cập nhật giá mới, hiện giá SH 150 đời 2020 bản ABS lên đến 112,7 triệu đồng/chiếc (giá hãng chỉ 95,990 triệu đồng/chiếc), CBS 102,3 triệu đồng/chiếc (giá hãng chỉ 87,990 triệu đồng/chiếc).
Một số đại lý cho hay mức giá kể trên mới áp dụng gần đây và đã tăng gần 10 triệu đồng/chiếc SH so với tháng trước. Nguyên nhân là do nhiều cửa hàng đã hết mẫu 2019, trong khi hãng Honda chỉ "rót" mẫu SH đời 2020 bản 125i xuống đại lý; mẫu SH 150i dự kiến sẽ ra thị trường vào tháng 12 này.
Không chỉ đẩy giá xe lên cao so với giá gốc, đại lý còn "chơi gác" bằng cách tự ý xuất hóa đơn bán hàng giá thấp, thường là ghi giá bán đúng hoặc thấp hơn giá hãng nhằm trốn thuế. Khách thắc mắc thì được giải thích là "cả chục năm nay vẫn làm vậy". Một số đại lý còn ra thỏa thuận khách phải ủy quyền cho đại lý làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ, đăng ký xe với mức phí dịch vụ ít nhất 7-9 triệu đồng/xe.
Cơ quan thuế "biết nhưng không làm gì được"
Ông Đồng Minh Hồng, chủ đại lý thuế DVL ở TP Hồ Chí Minh, cho rằng đại lý bán xe xuất hóa đơn không đúng với giá bán thực tế là để trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ xe SH có giá niêm yết 100 triệu đồng nhưng đại lý bán cho khách hàng 110 triệu đồng và xuất hóa đơn chỉ 100 triệu đồng. Trong trường hợp này, bên bán trốn được 1 triệu đồng thuế GTGT (10% thuế GTGT của số tiền chênh lệch 10 triệu đồng không đưa vào hóa đơn). Mặt khác, bên bán xe cũng không đưa 10 triệu đồng này vào thu nhập doanh nghiệp, từ đó trốn thêm được 2 triệu đồng thuế thu nhập (20% thuế thu nhập của 10 triệu đồng). "Như vậy, đại lý đã bỏ túi được 3 triệu đồng tiền thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp mà lẽ ra phải nộp cho nhà nước. Nếu trong 1 năm bán 100 xe SH, đại lý trốn thuế 300 triệu đồng. Người mua xe cũng sẵn sàng chấp nhận giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế để giảm thiếu số tiền lệ phí trước bạ phải đóng" - ông Hồng tính toán.
Đề cập giá xe máy và hành vi trốn thuế của các đại lý, một thanh tra viên của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết cơ quan thuế luôn căn cứ vào mức giá do các hãng xe công bố để xác định giá tính lệ phí trước bạ. Lâu nay, ngành thuế đã nhiều lần kiểm tra nhưng không thể tìm ra các bằng chứng cho thấy đại lý bán xe với giá cao hơn giá niêm yết bởi đại lý thường xuất hóa đơn với giá ngang bằng giá niêm yết; mức giá này cũng được thể hiện tại biên nhận mà đại lý cung cấp cho người mua. Do đó, cơ quan thuế gần như "bó tay". Chỉ khi nào cơ quan công an vào cuộc, nhập vai người mua để thu thập các chứng từ mua bán thực tế chứng minh việc gian lận giá bán xe này thì cơ quan chức năng mới có cơ sở để áp dụng các biện pháp răn đe, chế tài, xử phạt...
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế lẫn cơ quan thuế đã kiến nghị nhà nước quy định mọi hoạt động mua - bán tài sản đều phải xuất hóa đơn và thanh toán qua ngân hàng vào luật hoặc văn bản dưới luật. Khi đó, nếu bên bán tài sản gian lận về giá, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng truy tìm thông tin của người bán để truy thu, xử phạt về thuế. Thế nhưng, đến nay quy định này chưa được nhà nước bổ sung vào các văn bản pháp luật.
Theo Người lao động