Học sinh với mạng xã hội: Bài cuối: Cần định hướng của gia đình và nhà trường

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:33, 02/12/2019

Trang bị kiến thức và kỹ năng cho trẻ trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ là việc làm cần thiết để tránh cho trẻ những thiệt thòi cho cuộc sống sau này.

>> Bài 1: Muôn mặt của mạng xã hội


Cần định hướng để học sinh hiểu những mặt tốt và xấu của mạng xã hội để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu học tập và giải trí

Tuy nhiên, việc giáo dục để trẻ phân biệt cái gì đúng, cái gì sai trên mạng xã hội hoặc chỉ đơn giản là kỹ năng tự bảo vệ trước cộng đồng mạng khi bị “ném đá”, hay ứng xử như thế nào với một vấn đề mà mình không trực tiếp chứng kiến... lại rất cần sự vào cuộc của người lớn mà ở đây chính là gia đình và nhà trường.

Để trẻ luôn tự tin, hội nhập

Dù phụ huynh luôn lo lắng việc cho phép hay không cho phép con sử dụng mạng xã hội thì với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, việc ngăn cản trẻ tiếp cận với internet là điều không thể. Do đó, thay vì cấm thì phụ huynh hãy “vẽ đường đúng cho hươu chạy thẳng” bởi hiểu biết về mạng thực sự có ích cho trẻ sau này.

“Nếu bị hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội, trẻ sẽ thiệt thòi vì thiếu kiến thức, nhất là trong môi trường công việc, các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống số đầy cạnh tranh. Hơn nữa, nếu các em không được trang bị tốt thì cảm xúc của các em sẽ không được phát triển lành mạnh. Trẻ rất dễ bị cuốn theo các trào lưu xấu ở trên mạng, nếu các em không có bản lĩnh”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Phan, giảng viên Đại học Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội) nhận định.

Ông Vũ Ngọc Phan cho rằng nên dạy trẻ em không coi internet là rủi ro, nguy cơ mà là cái gì rất gần gũi với chúng. Thay vì chỉ đạo, ngăn cản hãy khuyến khích trẻ hướng đến những lợi ích và tận dụng được sự phát triển của internet, đó là cách thay đổi tư duy về giáo dục - đào tạo trẻ trong vấn đề này.

Một vấn đề nữa cần phải thay đổi từ chính các bậc phụ huynh, đó là việc người lớn phải kiểm soát bản thân mình để làm gương cho con trẻ. Bởi thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng sử dụng mạng xã hội để gây gổ, chế giễu người khác, chia sẻ những câu chuyện tiêu cực thiếu kiểm chứng.

"Cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Người lớn chưa hiểu đúng, hiểu rõ thì làm sao dạy được bọn trẻ? Cha mẹ phải giáo dục con từ các giá trị đạo đức trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Cha mẹ phải có quan tâm đúng mức tới cảm xúc của con để giúp chúng cảm được đầy đủ tình yêu thương của gia đình, bởi gia đình là cái gốc giúp định hình nhân cách con trẻ. Nếu trên trang cá nhân, các bậc cha mẹ thường chia sẻ những lời hay ý đẹp, những hình ảnh vui tươi thì tôi tin con, em họ cũng sẽ học tập và làm theo, từ đó có thái độ sống tích cực", ông Phan nói.

Giáo dục và định hướng từ nhà trường

“Hãy suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ” - Think before you share là một chương trình ngoại khóa đã được Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức.

Với bốn vấn đề lớn: Chúng ta sử dụng mạng xã hội để làm gì?, Mạng xã hội lớn tới đâu?, Cài đặt riêng tư trên mạng xã hội?, Tư duy phản biện và thấu cảm trên mạng xã hội là gì? các học sinh đã phần nào ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội không bảo đảm an toàn, những việc nên làm và không nên làm khi sử dụng mạng xã hội.

Đúng như tên gọi của chương trình, các học sinh Trường THCS Dịch Vọng đã hiểu ra rằng chia sẻ là việc làm cần thực hiện một cách có trách nhiệm - không chỉ là trách nhiệm với bản thân cá nhân mình, mà còn là trách nhiệm với cả cộng đồng.

“Chúng tôi khuyến khích các học sinh tăng cường sử dụng mạng internet để nâng cao và mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, với những học sinh trong độ tuổi mới lớn này, việc định hướng cho các em là rất cần thiết. Nếu đi đúng hướng, các em sẽ có lợi rất nhiều, còn nếu đi sai, hậu quả sẽ dần dần làm hỏng các em cả trong những cấp học sau này”, bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng cho biết.

Nếu những chương trình thiện nguyện, nhân vật có tầm ảnh hưởng, gương người tốt việc tốt và sự kiện có giá trị nhân văn được nhân rộng sẽ góp phần hình thành xu hướng nhân cách tốt đẹp của học sinh. Nhưng nếu những nhân vật không tốt, những hành vi không đẹp như trộm cắp, cờ bạc, hành hung người khác được chia sẻ và đón nhận như một trào lưu thì dần dần những tiêu chuẩn đạo đức, hành vi và thái độ sống của lớp trẻ sẽ bị bóp méo, lớp trẻ sẽ biến nó trở thành một nguyên tắc sống cho bản thân. Sự chia sẻ của mạng xã hội rất quan trọng, chính sự tung hô của mạng xã hội sẽ khiến trẻ ngộ nhận giá trị đó là chuẩn mực đạo đức của xã hội.

“Chúng em thường nghe câu “Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái”, nhưng cụ thể phải làm như thế nào thì em chưa hiểu lắm. Để đánh giá một trào lưu, một hành vi, một câu nói là đúng hay sai, đôi khi chúng em phải rất thận trọng. Nhưng cũng có ít bạn thận trọng lắm”, em Lê Vân Hương, Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) thẳng thắn cho biết.

Ở lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh phổ thông, các em thường muốn khẳng định bản thân. Các em dễ bị nhiễm độc trước thông tin tiêu cực, dễ bị hùa theo đám đông, làm những việc được nhiều người "like" bởi cho rằng nó đúng, hợp thời mặc dù bản thân các em không hiểu hết thông tin đó. Những mâu thuẫn, xung đột trên mạng xã hội giữa các cá nhân, nhóm bạn cũng diễn ra từ đó.

Vì thế, để uốn nắn những việc làm chưa đúng hoặc những nguy cơ xấu có thể xảy ra mà không can thiệp quá sâu vào chuyện cá nhân của học sinh, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và tổ chức đoàn thể của trường học phải luôn tích cực nắm bắt, tìm hiểu đời sống học sinh trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các giáo viên cần hướng học sinh sử dụng thời gian và điện thoại, máy tính vào việc học, hoặc dùng mạng xã hội để tìm thông tin hay, phục vụ cho việc học tập. Quan trọng hơn cả là sự song hành của gia đình và nhà trường trong việc định hướng thông tin, làm gương để trẻ học tập, noi theo, từ đó có một thái độ ứng xử tích cực đối với mạng xã hội.

Theo TTXVN