Xây dựng thương hiệu gạo Việt - nhìn từ ST25
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:32, 02/12/2019
Kỹ sư Hồ Quang Cua (giữa) giới thiệu gạo ST25 tại điểm bán hàng gạo ST ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HĐ
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của gạo Việt.
ST25 - cơ hội vàng cho ngành lúa gạo Việt
ST25 là giống gạo do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng, gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương, lai tạo, phát triển và vừa được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới có ý nghĩa rất lớn với công tác lai tạo giống, mở ra cơ hội cho ngành lúa gạo của nước ta.
Để tạo ra được giống lúa thơm mới như ST25, các nhà khoa học phải thực hiện phép lai giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gen, sau cùng sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Giống ST25 ra đời mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt. Hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo, thơm ngon. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng 2-3 vụ, trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được 1 vụ vì là lúa mùa dài ngày.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu lai tạo, đến nay Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Các giống lúa ST ngoài thơm ngon hơn còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm. Trong số các giống lúa đó, nhiều giống lúa do ông Hồ Quang Cua lai tạo đã được công nhận là giống lúa quốc gia, được nông dân trồng rộng rãi.
Chia sẻ về quá trình tạo ra giống gạo ngon nhất thế giới - ST25, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho rằng tạo ra giống gạo này xuất phát điểm từ ước muốn có thể tạo ra được hạt gạo ngon cho bà con cũng như nâng tầm hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Nhất là khi mà thực trạng về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân… đã kéo giá trị hạt gạo của Việt Nam xuống thấp và tệ hơn là không thể xây dựng được thương hiệu, dù chúng ta luôn đứng top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới.
Tạo thương hiệu đã khó, giữ thương hiệu còn khó hơn
ST25 vang danh gạo ngon nhất thế giới, nhưng những người làm chuyên môn chọn tạo và sản xuất, kinh doanh hạt giống vẫn lo âu về vấn nạn giống giả hiện còn tồn tại, hoành hành.
Nếu như “phiên bản” trước là ST24 đang được bán rộng rãi thì loại gạo ngon nhất thế giới 2019 chỉ mới đang ở giai đoạn thăm dò thị trường. Thế nhưng, chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng internet đều thấy rao bán, với nhiều loại bao bì và giá khác nhau.
Có doanh nghiệp bán gạo còn sử dụng ảnh nhận giải của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 in lên bao bì để thu hút người tiêu dùng… Một số trang web còn đẩy giá gạo ST25 lên mức 35.000-45.000 đồng/kg, trong khi kênh phân phối chính - công ty Hồ Trí Quang đang bán ra thị trường chỉ ở mức 27.000 đồng/kg. Thậm chí, hạt giống lúa ST25 cũng bị làm giả, làm nhái.
Ông Hồ Quang Cua lo lắng đạt danh hiệu đã khó, để giữ được danh tiếng càng khó hơn. Vì theo ông, hành trình làm “giấy khai sinh” cho một giống phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, mất thời gian khảo nghiệm, kiểm nghiệm rất lâu và tốn kém nhiều chi phí, từ khử lẫn, kiểm tra độ thuần trong quá trình sản xuất giống. Điều này là bắt buộc nhằm tránh tình trạng giống tự phát “trăm hoa đua nở” rồi sản xuất theo kiểu “tự vẽ bùa đeo” gây nhiễu loạn trong thị trường giống.
Trong khi đó, lúa giống giả không khó phát hiện, hàng giả đựng trong bao trắng hoặc ngoài bao lúa giống có in “Lúa lương thực, thời gian sinh trưởng, hạn sử dụng…” nhưng không ghi địa chỉ nhà cung cấp đang được bán trong các cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Không bảo vệ được tác quyền, người sản xuất và kinh doanh không làm ăn chân thật, cứ theo kiểu hám lợi, chộp giật nhất thời sẽ khó nâng cao chất lượng tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Bài học đắt giá này cứ tái diễn không chỉ có ST mà còn rất nhiều giống lúa ngon khác trong thời gian qua như RVT, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18… đang là nạn nhân của nạn giống giả.
Chế tài quá “nhẹ tay”
Nhìn nhận về hiện tượng gạo giả thương hiệu ST25, chuyên gia kinh tế -TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dường như câu chuyện hàng giả hàng nhái chưa thể có hồi kết khi mà lòng tham của con người vẫn lớn hơn danh dự. Ông Hiếu nêu lên thực tế, nếu như ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Mỹ, hành vi làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị kiện ra tòa và xử lý theo khung pháp lý một cách nghiêm khắc, thì ở Việt Nam chúng ta chưa thấy có một vụ việc nào liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ bị đưa ra tòa. Điều này khiến cho các đối tượng “nhờn” luật, họ sẵn sàng làm giả bất cứ một thương hiệu nổi tiếng nào hòng đạt được lợi nhuận to lớn, và nếu chẳng may có bị phát hiện, cùng lắm là bị xử lý hành chính.
“Chế tài quá “nhẹ tay” là nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa thể được triệt tiêu” – ông Hiếu nói và nhấn mạnh thêm nếu không siết mạnh, sản phẩm gạo ST25 cũng đang bị đe dọa bởi vấn nạn gạo giả xuất hiện tràn lan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp, đến chủ thương hiệu gạo đó mà còn làm giảm uy tín ngành gạo Việt.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, chúng ta cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó.
Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng. Song, nếu chúng ta không dẹp được tình trạng làm giả, làm nhái, liệu người tiêu dùng thế giới có đặt niềm tin vào các sản phẩm của gạo “made in Vietnam”?
Vào lúc này, các nhà chuyên môn chọn tạo giống và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống hy vọng đến đầu năm 2020, Luật Trồng trọt mới có hiệu lực, nạn giống giả, vi phạm bản quyền sẽ được loại bỏ triệt để.
Theo TTXVN