Sao cứ để người dân mãi treo băng rôn đòi sổ hồng?

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:35, 02/12/2019

Sáng chủ nhật 1.12, dân chung cư Tân Hương Tower (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) treo băng rôn trước căn hộ, tập trung ở tầng trệt để yêu cầu chủ đầu tư phải trả sổ hồng.

Một người dân cho biết đây chỉ là chuyện bất đắc dĩ bởi không ai muốn làm lớn chuyện. Người dân ai cũng muốn có một môi trường yên ổn, sáng chủ nhật đi uống cà phê với bạn bè, đưa con cái đi chơi… thay vì tập trung ở sân chung cư với băng rôn trong tay đưa ra yêu cầu này nọ với chủ đầu tư. 

Ai cũng muốn nơi mình sống không có điều tiếng để căn hộ cũng được tăng giá trị trong xu hướng chung của thị trường.

Câu chuyện đòi sổ hồng ở các chung cư na ná giống nhau: giao nhà nhiều năm, chủ đầu tư nhiều lần thất hứa, con đường đi đến làm sổ hồng cho người mua còn ngổn ngang chông gai: dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa nghiệm thu công trình đưa vào hoạt động, chủ đầu tư đang thế chấp quyền sử dụng đất và cả các căn hộ tại ngân hàng…

Một điểm chung mà "người trong nghề" ai cũng nhìn thấy, đó là đa số chủ đầu tư nợ sổ hồng đều là công ty ít tên tuổi trên thị trường bất động sản. 

Có công ty chỉ làm một vài dự án rồi "chết lâm sàng", có công ty hoạt động chính ở lĩnh vực khác, tiện tay làm một, hai dự án chung cư trong giai đoạn bất động sản phát triển "nóng". 

Các chủ đầu tư bán nhà, thu tiền xong rồi để lại bao nhiêu hệ lụy sau đó mà cơ quan chức năng phải đeo đuổi, giải quyết nhiều năm trời mới xong.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư với nội dung siết chặt cho vay mua bất động sản. Các nhà chuyên môn nhận định quy định này sẽ làm giảm mạnh nhóm khách hàng đầu cơ vào lĩnh vực này. 

Thời gian qua, chính nhóm này đã làm giá, mua đi bán lại khiến thị trường "nóng" một cách giả tạo. Nếu không kịp thời có quyết sách hợp lý, nhóm đầu cơ này sẽ đẩy bong bóng bất động sản ngày càng căng, làm thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo khủng hoảng những khu vực khác của nền kinh tế như đã thấy trước đây.

Những dự án bất động sản "ra hàng" trong thời gian tới sẽ có tốc độ bán nhà chậm hơn bởi vắng đi lượng lớn các nhà đầu cơ, lướt sóng. Và chỉ những chủ đầu tư chuyên nghiệp, có thực lực tài chính, chịu được áp lực khi thị trường tiêu thụ chậm mới vượt qua được.

Từ câu chuyện trên cho thấy bất động sản là thị trường đặc biệt, mỗi động thái "trở mình" của thị trường này vừa ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô vừa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của mỗi gia đình nhỏ. 

Vì vậy, những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn nghiệp kinh doanh bất động sản, dù ở vị trí nào cũng nên là những nhà kinh doanh có tâm và tầm nhìn xa. 

Nếu chỉ chăm chăm đầy túi mình mà bao nhiêu người dân mất ăn mất ngủ, xáo trộn cuộc sống, hoặc đẩy thị trường đến gần giai đoạn bong bóng, nguy cơ mất kiểm soát làm ảnh hưởng lớn đến xã hội thì khó đi đường dài với bất động sản.

NGỌC HÀ