Hãy nghĩ tới giáo viên, học sinh
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:16, 05/12/2019
Đây có thể cũng là lần cuối các trường có quyền này bởi theo Luật Giáo dục 2019, từ tháng 7.2020, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc trên. Sự thay đổi quá nhanh các quy định trong lĩnh vực giáo dục mà lại ban hành hướng dẫn chậm trễ thường gây nhiều khó khăn cho giáo viên, học sinh. Vì vậy, việc lựa chọn sách giáo khoa cần được tiến hành thận trọng, nghiêm túc và hướng tới tạo thuận lợi cho quá trình giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 22.11.2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sử dụng từ năm học 2020 - 2021.
Đến tháng 1.2020, tức là chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các cơ sở giáo dục phải lựa chọn sách mà cho đến bây giờ bộ vẫn đang trong quá trình soạn thảo thông tư hướng dẫn.
Hiện cũng chưa có quy định về Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập để chọn sách từ năm học 2021- 2022. Thời gian từ khi có những quy định, hướng dẫn này tới khi thực hiện không nhiều, trong khi phải triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước sẽ không tránh khỏi sự gấp gáp.
Thời gian triển khai quá ngắn sẽ gây khó khăn cho giáo viên làm quen với bộ sách giáo khoa mới. Họ cần thời gian để điều chỉnh giáo án, cách giảng dạy phù hợp với bộ sách mới. Thời gian chuẩn bị quá ngắn cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giáo viên. Sau những bộ sách giáo khoa lớp 1, trong tương lai sẽ tiếp tục có nhiều bộ sách giáo khoa cho mỗi lớp.
Việc thay đổi sách giáo khoa sẽ còn tiếp diễn nên những người soạn thảo, ban hành chính sách cần rút kinh nghiệm để các quy định mới có thời gian đi vào thực tiễn, không làm khó những người thực hiện, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục nói chung.
Năm học 2020-2021, các trường được quyền chọn sách giáo khoa, đến năm học sau lại do Hội đồng của UBND tỉnh chọn. Nếu sự lựa chọn của các trường không giống với sự lựa chọn của tỉnh thì một lần nữa, giáo viên lại phải “đánh vật” với một bộ sách mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính tới điều này để có những hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng loạn sách giáo khoa lớp 1 trong các trường hai năm học sắp tới. Cũng nên có quy định một địa phương sau khi chọn sách giáo khoa sẽ sử dụng ổn định trong bao lâu, tránh những xáo trộn không cần thiết gây khó khăn cho những người trực tiếp đứng lớp.
Để hạn chế tiêu cực và sự cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra giữa các nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng quy định chọn sách giáo khoa. Thành phần Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập cần có các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý giáo dục và giáo viên giàu kinh nghiệm tham gia để bảo đảm tính chính xác, khách quan, phù hợp với thực tiễn giáo dục địa phương.
Việc cho ra đời nhiều bộ sách giáo khoa là một sự tiến bộ được kỳ vọng sẽ khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khơi dậy, phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Vì vậy, việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa cần hỗ trợ đội ngũ giáo viên thực hiện tốt vai trò của mình chứ không phải làm khó thêm công việc vốn đã vất vả.
THÁI HÒA