Làm gì để tiếp tục giảm biên chế?

Tin tức - Ngày đăng : 08:06, 06/12/2019

Để tiếp tục giảm 700 biên chế trong năm tới, việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị được coi là giải pháp quan trọng gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp.


Do tiếp tục sắp xếp, thu gọn đầu mối các trường học, năm 2020 ngành giáo dục và đào tạo dự kiến giảm 451 biên chế so với năm 2019

Thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, thu gọn tổ chức, bộ máy, thời gian qua toàn tỉnh đã giảm 12,1% số biên chế so với chỉ tiêu được giao năm 2015, vượt kế hoạch đề ra. Để tiếp tục giảm 700 biên chế trong năm 2020, các cấp, các ngành cần có các giải pháp tích cực hơn.

Thu gọn bộ máy hơn nữa

Qua giám sát chuyên đề về sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá các địa phương, đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo đúng lộ trình trong Đề án 03 của Tỉnh ủy.

Toàn tỉnh đã giảm 110 đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển đổi 30 đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản. Riêng 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện do nhập vào thành Trung tâm Y tế huyện nên chưa thực hiện chuyển đổi.

Ông Bùi Học Anh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề cho rằng việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, giảm số đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua là giải pháp quan trọng góp phần giúp tỉnh giảm biên chế.

Theo ông Học Anh, giải pháp này khả thi vì lộ trình đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ còn giảm 99 trường học do sắp xếp, sáp nhập gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, giảm 1 trường THPT ở mỗi huyện, thị xã, thành phố. Lĩnh vực y tế cũng sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các đầu mối khoa, phòng trong các đơn vị đang còn nhiều bất cập...

Ngành giáo dục và đào tạo có số lượng biên chế lớn nhất tỉnh. Trong năm 2019, với việc sắp xếp, sáp nhập xong 92 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2015 (đạt 43,6% so với lộ trình đến năm 2021), toàn ngành cũng đã tinh giản 335 biên chế.

Để tiếp tục giảm biên chế, ngoài sắp xếp, thu gọn bộ máy theo lộ trình, ngành giáo dục và đào tạo không được giao tăng giáo viên do tăng lớp, tăng học sinh; tự cân đối, sắp xếp, bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Đối với các trường học sáp nhập theo sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, ngành sẽ điều chỉnh gắn việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác với bảo đảm định mức giáo viên/ lớp theo quy định...

Vừa qua, UBND tỉnh đã đề xuất giảm 700 biên chế trong toàn bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định 68 để trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp tới. Phương pháp cắt giảm được đề xuất theo nguyên tắc không vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao; tinh giản biên chế theo đúng lộ trình đề án của các cơ quan, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Việc sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị tiếp tục được kiến nghị là giải pháp để giảm biên chế gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, công chức, viên chức...


Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ về một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021 theo Đề án 03 của Tỉnh ủy

Tăng tự chủ

Chỉ riêng 5 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và một số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ về tài chính đã góp phần giảm 2.207 chỉ tiêu, chiếm hơn 50% tổng số biên chế đã giảm của toàn tỉnh.

Con số này minh chứng cho hiệu quả giảm biên chế từ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ. Đây là giải pháp đã được nhiều ngành thực hiện để giảm biên chế với 30 đơn vị sự nghiệp hoàn thành việc chuyển đổi. Nhiều đơn vị đã hoàn thành phương án tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên; một số đơn vị giảm chi từ ngân sách tối thiểu 15%...

Ở khối giáo dục và đào tạo, năm 2020, nếu hoàn thành việc chuyển Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ giảm được 36 chỉ tiêu biên chế. Ngành y tế sẽ chuyển đổi các bệnh viện tuyến tỉnh sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công, giao tự chủ về tài chính cho các đơn vị cần có sự hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập. Để chuyển các trường THCS chất lượng cao sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên phải gỡ bài toán khó về chi phí cao, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, duy trì và phát triển của các trường.

Việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp và hướng dẫn về cơ chế tài chính đối với Trung tâm Y tế cấp huyện (đơn vị vừa được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên, vừa thực hiện tự chủ); các văn bản quy định về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện, chưa phù hợp với loại hình nên việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp còn khó khăn...

Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang loại hình tự chủ cũng sẽ góp phần khắc phục những giải pháp chưa tích cực trong xét tinh giản biên chế đối với một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, yếu về năng lực công tác, phẩm chất đạo đức...


LINH AN