3 bước nhanh để giàu có hơn trong năm 2020

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:40, 09/12/2019

Giống như sức khỏe thể chất, "kiêng" chi tiêu cũng là phương pháp hiệu quả nâng cao sức khỏe tài chính, cơ sở giúp bạn trở nên sung túc hơn.

Sang năm mới, bạn hy vọng kiếm thêm thu nhập để đạt được mục tiêu lớn mà không cần dừng chi tiêu ngay? Phương pháp kiêng gián đoạn (intermittent fasting) lấy cảm hứng từ lĩnh vực sức khỏe có thể là lời giải.

"Hãy nghĩ đến dự định của bạn khi thực hiện điều này," Pamela Capalad, chuyên gia về lập kế hoạch tài chính, nhà sáng lập Brunch and Budget tại New York, cho biết. "Tất cả chúng ta đều có thể làm bất cứ điều gì trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu hiểu được nguyên nhân đằng sau việc bạn chọn tiếp tục phương pháp tài chính này và biết rõ về những gì bạn hy vọng tìm ra, điều đó sẽ giúp bạn thành công", bà nói. Và đây là cách bắt đầu.

Bước 1: Rà soát danh sách chi tiêu

Nhìn lại các khoản chi để biết tiền đã đi về đâu. Ảnh: Pixabay

Nhìn lại các khoản chi để biết tiền đã đi về đâu. Ảnh: Pixabay

Hãy bắt đầu bằng cách điểm danh các niềm đam mê "đắt đỏ" thông qua việc xem lại các chi tiêu gần đây. Bạn có thể thấy kinh ngạc về những thứ đã bỏ ra và các khoản mua sắm nhỏ cộng dồn lại thì lớn như thế nào.

Theo cuộc khảo sát trên 2.800 người Mỹ trưởng thành của chuyên mục "Invest in You" trên CNBC vào tháng 7, hơn một phần tư người Mỹ (28%) thường chi hơn 200 USD mỗi tháng cho thực phẩm. Những người khác chi tiêu nhiều cho rượu (10%), thuốc lá (8%), các sự kiện thể thao và giải trí trực tiếp (7%), cà phê mang đi (5%), cờ bạc (4%) và các dịch vụ gọi xe (3%)

Một khi nhận biết rõ bạn chi tiêu quá nhiều vào những gì, bạn có thể quyết định cần loại bỏ những gì trong phương pháp kiêng.

Bước 2: Ưu tiên những điều cần

Tạm thời cắt bỏ các chi tiêu mà bạn thích để tìm đam mê thật sự. Ảnh: Pixabay

Tạm thời cắt bỏ các chi tiêu mà bạn thích để tìm đam mê thật sự. Ảnh: Pixabay

Cai lập tức và cắt bỏ mọi chi tiêu vốn mang lại niềm vui không phải là giải pháp lâu dài. "Nếu bạn loại bỏ hoàn toàn sở thích bản thân trong tất cả lĩnh vực, bạn sẽ thất bại," Chris Browning của trang Popcorn Finance chia sẻ.

Nhưng tạm thời làm như thế có thể giúp bạn nhận ra trong số những chi phí đó có bao nhiêu là cần thiết thật sự, hay chỉ do thói quen. Cùng với đó, những chi tiêu tùy hứng càng dễ dàng cắt bớt.

"Chúng ta chi tiêu rất nhiều cho những thứ không cần thiết, nhưng chúng ta mua chỉ vì thuận tiện, áp lực từ bạn bè, hoặc do mệt mỏi", Capalad cho biết. Ví dụ, trong cuộc khảo sát của CNBC, nhiều người cho biết họ sẵn sàng bỏ việc ăn ở nhà hàng hơn là xem truyền hình trực tuyến hay là trở thành thành viên Amazon Prime.

"Một điều cần lưu ý là ý chí chúng ta thường hữu hạn. Nếu như cố gắng và tự ngăn cản bản thân khỏi những thứ yêu thích chỉ vì ai đó nói chúng ta nên hay không nên, thì sẽ không hiệu quả," Capalad nói. "Đối với một số người, ly latte là sự lãng phí, nhưng có lẽ bạn cần nó để tỉnh táo khi làm việc và đạt năng suất cao hơn", cô nhận định.

Bước 3: Đưa ra quyết định

Dùng kết quả sàn lọc sau thời gian tạm kiêng chi tiêu để lên kế hoạch tài chính năm sau. Ảnh: Pixabay

Dùng kết quả sàng lọc sau thời gian tạm kiêng chi tiêu để lên kế hoạch tài chính năm sau. Ảnh: Pixabay

Dùng những điều bạn nhận ra trong lúc kiêng chi tiêu tài chính ngắn hạn để đặt mục tiêu thực tế trong năm tới, cắt giảm một hoặc hai chi phí không cần thiết.

"Phải càng chú ý đến mức độ ảnh hưởng thật sự của việc chi tiêu này đối với bạn và lý do thực sự muốn mua sắm. Đây không phải là về việc mua hay không mua bao nhiêu ly latte mà phải hiểu rõ ý định thực sự đằng sau việc kiêng chi tiêu tài chính. Đây là cuộc trải nghiệm nhằm tìm ra giá trị và thói quen của bạn là gì", Capalad lưu ý.

Theo VnExpress