Lãnh đạo Tân Cương: Mỹ không vui vì Tân Cương phát triển yên ổn
Tin tức - Ngày đăng : 19:38, 09/12/2019
Ông Shohrat Zakir, Chủ tịch khu tự trị Tân Cương phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 9.12
Trong một tuyên bố ngày 9.12, ông Shohrat Zakir - chủ tịch khu tự trị Tân Cương cho biết những người được đưa tới các trung tâm đào tạo nghề ở khu tự trị Tân Cương đều đã "tốt nghiệp" và đang sống cuộc sống vui vẻ.
Các trung tâm này được báo chí Trung Quốc gọi với tên đầy đủ là "Trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề". Chẳng hạn, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc trong bài viết về phát ngôn ngày 9-12 của ông Shohrat Zakir đã dùng cách gọi này, đồng thời gọi những người được đưa tới đây là các "học viên".
Trong khi đó, truyền thông phương Tây lại gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị vì cho rằng những nơi này giam giữ các tù nhân người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đồng ý với cách gọi như vậy.
Và đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi giữa hai bên. Vấn đề nhạy cảm này thậm chí đã nhiều lần được nêu lên tại Liên Hiệp Quốc. Các nhà hoạt động và Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 1-2 triệu người, hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ, bị ép buộc đưa tới các trung tâm tập trung này, theo Hãng tin Reuters.
"Khi cuộc sống của những người thuộc các nhóm thiểu số ở Tân Cương bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa nghiêm trọng, Mỹ lại giả vờ tai bị điếc.
Trái lại, giờ đây khi xã hội Tân Cương đang dần phát triển và những người thuộc tất cả nhóm thiểu số đều sống và làm việc trong hòa bình, Mỹ lại cảm thấy khó chịu, rồi tìm cách tấn công và bôi nhọ Tân Cương" - ông Shohrat Zakir phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ông hiện cũng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vị lãnh đạo khu tự trị Tân Cương nói với các phóng viên rằng những con số ước tính được đăng trên truyền thông nước ngoài là "hoàn toàn bịa đặt".
"Mỹ đã phát động một chiến dịch bôi nhọ Tân Cương không ngừng nghỉ. Nhưng không ai có thể ngăn Tân Cương tiến tới hòa bình và phát triển" - ông Shohrat Zakir khẳng định.
Chính khách Trung Quốc 66 tuổi cũng lên án việc Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Duy Ngô Nhĩ 2019 (dự luật này đang chờ được Thượng viện Mỹ thông qua). Ông nói dự luật này "vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc".
Hồi tháng 7, một quan chức ở Tân Cương cho biết hầu hết những người được đưa tới các trung tâm trên đã "quay lại với xã hội". Trong tuyên bố ngày 9.12, ông Shohrat Zakir nói rằng Tân Cương sẽ tiếp tục hoạt động đào tạo tại các trung tâm này dựa trên sự "tự nguyện" và "tự do đến và đi".
Theo Tuổi trẻ