Trước Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVI: Giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri
Tin tức - Ngày đăng : 16:12, 10/12/2019
Cử tri xã Phúc Thành (Kim Thành) nêu ý kiến tại cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh
Trả lời ý kiến cử tri về quan tâm tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng vùng; phát triển nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân, UBND tỉnh thông tin: Những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng đến các hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.
Năm 2018 và 2019, tỉnh đã tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương. Trong giai đoạn 2016-2020, các chính sách hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho các vùng sản xuất tập trung theo Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng” đều phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, HTX ngay từ đầu vụ (sản lượng bao tiêu đối với vùng sản xuất lúa tối thiểu là 50%; vùng rau, trái cây 100%). Toàn tỉnh hiện có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 1 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 25 sản phẩm cấp mã QR… UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”…
Liên quan đến đề nghị của cử tri về nâng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh trả lời: Tổng thiệt hại mà người chăn nuôi trong tỉnh có lợn phải tiêu hủy do dịch phát sinh đến ngày 30.9.2019 là 968 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Tài chính để hỗ trợ kinh phí. Đến ngày 28.10.2019, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định (tương ứng 3 đợt) về cấp kinh phí hỗ trợ người chăn luôn lợn bị thiệt hại với tổng số tiền 736,5 tỷ đồng (trong đó Trung ương 500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 236,5 tỷ đồng), bằng 76% tổng mức dự kiến mức hỗ trợ thiệt hại. Đến ngày 31.10.2019, các huyện, thị xã, thành phố đã thanh toán xong đợt 1, đang thanh toán đợt 2 và đang niêm yết công khai những hộ được hỗ trợ đợt 3. Tỉnh đang tổng hợp quyết toán để đề nghị Trung ương xem xét tiếp tục bổ sung kinh phí hỗ trợ thiệt hại.
UBND tỉnh cũng trả lời việc quy định mức hỗ trợ người dân có lợn mắc dịch phải tiêu hủy trong tỉnh được xác định trên cơ sở quy định của Chính phủ. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại). UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào các quy định để chi trả kịp thời cho người dân và người làm công tác tiêu hủy lợn trên địa bàn.
Về lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, cử tri một số huyện, thị xã, thành phố đề nghị tỉnh xem xét, quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường, cầu, cống... UBND tỉnh đã trả lời cụ thể về chất lượng hiện trạng của từng công trình và lý giải một số khó khăn đang gây vướng mắc tại một số dự án. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, lập quy hoạch, đề xuất sớm việc tu sửa, xây dựng các tuyến đường, công trình cầu cống.
Về ý kiến cử tri TP Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Hà Hải hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, chiếu sáng, các nút giao thông...) để bàn giao cho thành phố, UBND tỉnh trả lời Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiệm thu dự án 3 khu đô thị mới theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Đến nay, dự án cơ bản đã được nghiệm thu và đang hoàn thiện hồ sơ, chỉnh trang một số hạng mục hạ tầng để bàn giao chính thức cho địa phương. Còn lại một số hạng mục, diện tích vướng mắc chưa giải phóng được mặt bằng, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp với UBND TP Hải Dương tiếp tục giải phóng mặt bằng để thi công hoàn thiện toàn bộ dự án. Các hạng mục còn lại này sẽ được nghiệm thu bàn giao giai đoạn 2.
Đối với ý kiến cử tri huyện Nam Sách phản ánh khu vực đê xã Nam Hưng xuống cấp trầm trọng, đề nghị tỉnh có phương án khắc phục, tu bổ, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư tu bổ lại mặt đê và cơ đê tại các vị trí hư hỏng theo thứ tự ưu tiên trên toàn tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Nam Sách chỉ đạo xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về đê điều, đặc biệt là tình trạng chạy xe quá tải trọng gây hư hại mặt đê, cơ đê...
Trả lời ý kiến cử tri đề nghị về bổ sung ngân sách cho các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh 4,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 8 huyện và 47 xã, thị trấn sắp xếp. Ngoài định mức chi hoạt động hành chính theo từng loại xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính căn cứ vào các quy định hiện hành và khả năng ngân sách để tính toán cân đối, bố trí tiền bổ sung tính vào dự toán ngân sách cấp xã năm 2020 để hỗ trợ thêm cho các xã, thị trấn sau sáp nhập sớm ổn định hoạt động.
UBND tỉnh cũng trả lời cụ thể nhiều nội dung cử tri trong tỉnh nêu về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập xã, thôn, khu dân cư …
PV