Từ chuyện như đùa ở Hòa Bình
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:12, 11/12/2019
Đó là tên Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1973, ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Năm 1993, Huy bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử cùng với 4 đối tượng khác về tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. 4 bị can khác đã bị kết án tù giam còn Huy thì bỏ trốn. Dư luận cho là y trốn khỏi địa phương, đã đi thật xa.
Thế nhưng, trong khi các đồng phạm của Huy đã vào tù thì y vẫn chễm chệ ngồi vào cái ghế Chánh Văn phòng Tòa án Nhân dân huyện Cao Phong (cùng tỉnh Hòa Bình). Không những có chức sắc, Huy còn được ngành cho đi học tập, bồi dưỡng, chờ ngày công bố chức thẩm phán. Sẽ ra sao nếu một kẻ đang mang tội lại ngồi xét xử tại các phiên tòa?
Câu chuyện trên khiến dư luận nhớ lại vụ Trưởng Phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Thị Ngọc Ái Sa hay Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu Thái Đình Hoài… và nhiều trường hợp khác đã mượn bằng cấp, bằng giả, thay đổi lai lịch tạo ra hồ sơ sạch sẽ để chui vào các cơ quan công quyền, thậm chí leo được lên cao…
Những sự việc trên đây, đặc biệt là vụ Nguyễn Quang Huy vừa đau lòng, xấu hổ, lại vừa khó hiểu. Chúng ta có một bộ máy quản lý chính quyền, pháp luật hoàn chỉnh, có các quy định tuyển dụng cán bộ, công chức, kiểm tra, giám sát cụ thể… vậy mà một tội phạm bị truy nã suốt 26 năm vẫn đàng hoàng sống trong cơ quan bảo vệ pháp luật ngay cạnh nơi đã tuyên án mình phải tù giam. Đúng là “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Từ vụ việc này, thêm một lần khẩn thiết nữa phải cảnh báo về công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. Trách nhiệm đầu tiên không chỉ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà còn cả bộ phận tham mưu với một loạt cơ quan chức năng khác giúp việc, có trách nhiệm xem xét hồ sơ, đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức.
Liên hệ đến công tác cán bộ, nhất là nhiệm vụ kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị, thôn, khu dân cư, cấp xã sau sáp nhập và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, chúng ta có những bài học thiết thực. Tổng quát chung là phải quán triệt sâu sắc những nội dung, yêu cầu với phương châm “dân chủ - công khai - minh bạch” về công tác tổ chức cán bộ. Điều này không chỉ thực hiện qua những chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành… mà phải bằng sự chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy trình và có những bước đi rất cụ thể. Chỉ có như vậy, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ mới tránh được những sai lầm, hệ lụy mà không ít địa phương, đơn vị đã vấp phải; không để lọt những người chạy chức, chạy quyền hay dung dưỡng những “con cháu các cụ cả”, những “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ” không đủ năng lực và phẩm chất lọt vào cơ quan Đảng và Nhà nước.
THẾ NGUYỄN(TP Hải Dương)