Tứ Kỳ: Ì ạch xây dựng trường chuẩn

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:05, 12/12/2019

Dù có nhiều cố gắng trong xây dựng trường chuẩn quốc gia nhưng tiến độ và tỷ lệ trường đạt chuẩn của huyện Tứ Kỳ vẫn chậm, thấp hơn so với mức chung của toàn tỉnh.


Trường Mầm non Minh Đức đang xây dựng phòng học tại điểm trường trung tâm

Lúng túng sau sáp nhập

Đăng ký đạt chuẩn mức độ I vào năm 2018 nhưng đến nay Trường THCS Tứ Xuyên ở xã Chí Minh (mới sáp nhập từ 3xã Tây Kỳ, Tứ Xuyên, Đông Kỳ) chưa đạt mục tiêu. Tháng 10 vừa qua, trường được bàn giao 4 phòng học bộ môn nhưng chưa có trang thiết bị để đưa vào sử dụng. Sân chơi, bãi tập không bảo đảm cho hoạt động học tập, vui chơi của học sinh. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nếu khắc phục xong những khó khăn trên thì đến cuối năm 2020 trường sẽ đạt chuẩn. Nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để đạt chuẩn đối với trường học ở các xã sáp nhập. Kế hoạch xây dựng chuẩn quốc gia của trường cũng phải điều chỉnh 2 lần". 

Ông Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết cả 2 trường THCS của xã là Tứ Xuyên và Đông Kỳ đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Theo lộ trình đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường trong huyện, Trường THCS Đông Kỳ sẽ sáp nhập với Trường THCS thị trấn nên dừng việc xây dựng cơ sở vật chất. "Trường THCS Tứ Xuyên dù đủ phòng học, phòng bộ môn nhưng cần vài tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, cải tạo sân chơi, bãi tập. Kinh phí còn hạn hẹp nên địa phương phải cân đối nguồn ngân sách để hoàn thiện".  

Trường Tiểu học Nguyên Giáp được sáp nhập từ Trường Tiểu học Nguyên Giáp A và B đều chưa đạt chuẩn. Sau sáp nhập, trường có 31 lớp, vượt quy định về quy mô trường lớp. Hằng năm, trường tăng trung bình từ 60 - 80 học sinh nên việc bảo đảm cơ sở vật chất cũng là thách thức lớn. Thầy giáo Nguyễn Đình Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đang xây nhà hiệu bộ, còn phòng học đã có đủ. Nhưng nỗi lo của trường là quy mô lớp dự kiến lại tăng do tăng dân số cơ học. Trường cũng còn thiếu 3 giáo viên so với biên chế được giao". 

Trường Mầm non Minh Đức được sáp nhập từ Trường Mầm non Minh Đức A và B. Trường Mầm non Minh Đức B đã đạt chuẩn năm 2012, tái chuẩn năm 2017 nhưng Trường Mầm non Minh Đức A lại chưa đạt dù đăng ký về đích năm 2018. Minh Đức là xã lớn với hơn 7.000 nhân khẩu nên việc đầu tư đồng bộ cho cơ sở vật chất là quá sức đối với địa phương. Hiệu trưởng nhà trường Vũ Thị Hồng Luyên chia sẻ: "Trường có tới 4 điểm trường nên cần nguồn vốn lớn để xây dựng, cải tạo. Vì thế, dù đặt ra mục tiêu đạt chuẩn khá sớm nhưng đành lỡ hẹn năm này qua năm khác. Tại điểm trường chính đang được xây dựng 8 phòng học. Tuy nhiên, nhà hiệu bộ cũng cần được xây dựng, hoàn thiện, trường hy vọng đạt chuẩn vào cuối năm sau".


Sân chơi, bãi tập của Trường THCS Tứ Xuyên cần được nâng cấp

Khó nhất là cơ sở vật chất

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, toàn huyện hiện có 46 trong tổng số 78 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 58,9% (mức chung của tỉnh tính đến tháng 6.2019 là 73,88%). Nhiều nhất là cấp tiểu học có 22 trường (chiếm 84,6%); THCS và mầm non đều có 12 trường (chiếm 46,2%). Huyện mới chỉ có 6xã tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia là Quảng Nghiệp, Tân Kỳ, Ngọc Kỳ, Quang Trung, Dân Chủ và Quang Phục. Trong giai đoạn 2016-2019, 9 xã đăng ký đạt chỉ tiêu, 16 xã, thị trấn không đạt chỉ tiêu.

Nhiều trường học trong huyện được quy hoạch xây dựng chi tiết từ nhiều năm trước nhưng không thể triển khai ngay vì thiếu vốn, gặp khó trong giải phóng mặt bằng. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, phải phát huy nội lực của các địa phương. Kinh phí để xây dựng chủ yếu dựa vào đấu giá quyền sử dụng đất của các xã nhưng giá trị đấu giá thường không cao do các địa phương nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện. Một số trường học đã đạt chuẩn đứng trước nguy cơ mất chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp, tăng quy mô lớp... 

Theo ông Nguyễn Thành Tuy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trong quá trình xây dựng trường chuẩn nhiều xã gặp phải khó khăn như cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, tỷ lệ biên chế giáo viên theo quy định chưa bảo đảm, các trường mầm non, tiểu học còn nhiều điểm trường... Nhưng khó nhất vẫn là tiêu chí về cơ sở vật chất và trang thiết bị. 

Những năm gần đây, huyện Tứ Kỳ đã chú trọng đầu tư và từng bước tăng cường theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93,9%. Các địa phương đăng ký nhưng chưa hoàn thiện cũng đang tập trung thực hiện gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Như xã Phượng Kỳ đang xây phòng học ở cả 3 cấp, xã Quang Khải xây phòng học ở trường tiểu học... 

Tứ Kỳ phấn đấu đến hết năm 2020 có hơn 70% và đến năm 2025 tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia. "Để đạt được mục tiêu, huyện chỉ đạo các trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, lồng ghép việc xây dựng cơ sở vật chất với các chương trình khác để giảm nguồn kinh phí xây dựng", ông Tuy nói. 

THẢO NGUYỄN