Minh bạch số liệu quan trắc môi trường tự động
Môi trường - Ngày đăng : 15:51, 12/12/2019
Đồng chí Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh
Trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh chiều 12.12 về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, đồng chí Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết hiện lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.184 tấn/ngày, trong đó rác thải khu vực nông thôn 765 tấn/ngày, rác thải khu vực thành thị 419 tấn/ngày.
Có 875,6 tấn rác thải, tương ứng 73,95% lượng rác thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại 835 bãi chôn lấp, trong đó có 201 bãi chôn lấp được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí. 308,4 tấn rác, tương ứng 26,05% được xử lý tại 3 nhà máy tại các huyện Thanh Hà, Bình Giang. Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải cho các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với kinh phí 352.000 đồng/tấn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn để thu gom rác thải của các địa phương về các nhà máy còn công suất xử lý (khoảng 210 tấn/ngày đêm. Điều chỉnh đơn giá dịch vụ vệ sinh trên địa bàn tỉnh, tăng cường hỗ trợ người lao động vệ sinh để tăng cường tần xuất thu gom rác.
Điều chỉnh đơn giá xử lý rác thải để thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng đầu tư xử lý tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại có tận thu năng lượng và các thành phần hữu ích trong rác thải. Không tiếp nhận dự án xử lý rác thải có quy mô công suất nhỏ...
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng ô nhiễm tại kênh T2 (TP Hải Dương), đồng chí Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở TNMT cho biết, ngoài việc thực hiện chức năng tiêu thoát nước mưa, kênh T2 còn có chức năng tiêu thoát nước thải sinh hoạt của các khu dân cư và nước thải của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn phường Bình Hàn, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Tân Bình, Lê Thanh Nghị.
Đề giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trên kênh T2 cũng như nước thải của thành phố, năm 2016, TP Hải Dương đã hợp cùng “Tổ chức sáng kiến phát triển các thành phố châu Á” nghiên cứu và đưa ra phương án tổng thể thoát nước và xử lý nước thải khu vực phía tây thành phố (trong đó có kênh T2).
Theo đó, sẽ phân lập hệ thống thu gom nước thải và nước mưa. Đến nay dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian thực hiện đến hết năm 2023. Khi đó, vấn đề thu gom, xử lý nước thải của TP Hải Dương cơ bản được giải quyết.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Trả lời những ý kiến băn khoăn về tính chính xác, việc quản lý vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, đồng chí Vũ Ngọc Long cho biết UBND tỉnh đã ban hành quy định quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đây là những thiết bị hiện đại, công nghệ cao nên số liệu sẽ khách quan, chính xác. Việc công bố số liệu, chỉ số sẽ có những bảng điện tử để thông tin đến người dân.
Giám đốc Sở TNMT cho biết toàn tỉnh có 27 nhà máy thép, xi măng và những nhà máy có lượng nước thải ra môi trường từ 1.000m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt trạm quan trắc tự động. Đến nay đã có 20 nhà máy hoàn thành lắp đặt trạm quan trắc tự động, 7 doanh nghiệp nghiền clinke công suất nhỏ sẽ phải hoàn thành lắp đặt chậm nhất vào 6.2020.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định việc bảo đảm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Tất cả các trạm quan trắc môi trường tự động phải công khai, minh bạch số liệu. Đồng chí giao Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan có giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chặt chẽ việc bảo đảm môi trường.
Đồng chí đề nghị người dân đồng thuận với chính quyền về chủ trương xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại; đẩy mạnh việc xã hội hóa để thu gom, xử lý rác thải. Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm môi trường trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.
NHÓM PV