Năm kịch tính của ông Donald Trump

Bình luận - Ngày đăng : 18:15, 12/12/2019

Năm 2019 chuẩn bị khép lại và quãng thời gian qua được đánh giá là đầy sóng gió với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông vướng vào một loạt những vấn đề phức tạp ở cả trong và ngoài nước.


Năm 2019 là năm đầy rẫy biến cố với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đầy rẫy biến cố

Vị tổng thống "xuất thân" là tỷ phú đang khép lại năm 2019 với một bước tiến mới sau những gì được coi là thành tựu rõ rệt nhất của ông - cuộc đột kích của đội đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, năm 2019 cũng là năm đầy rẫy những biến cố đối với ông Trump.

Về tham vọng kết thúc cuộc chiến tại Afganistan, ông đã khiến Washington "giật nẩy" khi mời Taliban đến đàm phán, sau đó tuyên bố cuộc đàm phán "đã chết” và cuối cùng lại nối lại.

Đối với Triều Tiên, quốc gia mà ông Trump hy vọng bảo đảm được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, một hội nghị thượng đỉnh được mong đợi với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kết thúc trong bế tắc. Ông Trump sau đó đã "xúc tiến" ngoại giao với một cuộc gặp mới được sắp xếp vội vàng, chỉ để thấy các cuộc đàm phán vô vị khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa và tạo ra các mối đe dọa.

Thậm chí hỗn loạn hơn là việc Tổng thống Trump thúc đẩy cuộc chiến thương mại hiếu chiến với Trung Quốc với áp thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD.

Trong một vấn đề hiếm gặp vốn thu hút sự chỉ trích từ phía đồng minh Đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump đã gửi thông điệp "lộn xộn" đến Thổ Nhĩ Kỳ, ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi Syria, mở đường cho Ankara tấn công các tay súng người Kurd, vốn là đồng minh của Mỹ, trước khi ông gây áp lực cho các đồng minh NATO bằng các lệnh trừng phạt.

Ông đã phá vỡ sự đồng thuận quốc tế bằng cách rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran được châu Âu hậu thuẫn, không ngần ngại tìm cách "đánh bóng tên tuổi" nhà lãnh đạo cánh hữu của Israel là ông Benjamin Netanyahu.

Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng nhập cư ồ ạt - một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự trong nước của Trump, ông đã tự cho mình là nhà lãnh đạo duy nhất, người dám đương đầu với thực trạng tồn tại bấy lâu nay. 

Đánh giá những thành công

Chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 mở ra dưới cái bóng của tiến trình luận tội, với các nghị sĩ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện cho rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực bằng cách trì hoãn viện trợ cho Ukraine khi ông hối thúc Kiev điều tra đối thủ trong nước Joe Biden.

Brian Katulis, học giả cao cấp tại Trung tâm Vì sự tiến bộ của nước Mỹ có khuynh hướng thiên tả, đã gọi chính sách đối ngoại là "vấn đề ngủ quên" của bầu cử với việc Tổng thống Trump có khả năng tìm cách đưa nó lên tuyến đầu. 

Nile Gardiner, cựu trợ lý của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người hiện làm việc tại Quỹ Heritage cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump tân tiến và không theo chủ nghĩa biệt lập, đồng thời bổ sung rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng lớn là ông Trump sẽ tái đắc cử.

Gardiner lập luận Tổng thống Trump cũng đã "làm suy yếu đáng kể" Iran, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Giới phê bình cho rằng đường lối cứng rắn đã phản tác dụng khiến Iran giảm sự tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khuyến khích chế độ Tehran đáp trả trong khu vực.

"Chờ đợi những điều bất ngờ"

Học giả Katulis kỳ vọng Tổng thống Trump đặt một mục tiêu quan trọng trong năm 2020 về việc Quốc hội thông qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, một hiệp định thương mại về bản chất tương tự như Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.

Katulis nói: "Dù Quốc hội có thông qua NAFTA mới hay không hoặc liệu Tổng thống Trump có ''để mắt'' đến những vấn đề như Iran và Triều Tiên hay không thì ông ấy cũng sẽ cố gắng để tìm ra ít nhất một vài khả năng chiến thắng chứng tỏ rằng ông đã làm những điều mà những người tiền nhiệm không làm được. Với ông Trump, bạn có thể chờ đợi những điều bất ngờ”.

Theo TTXVN