Chồng lấn địa bàn, doanh nghiệp nước sạch lo lắng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 13/12/2019

Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) đã kiến nghị với cơ quan chức năng của tỉnh về việc địa bàn cấp nước sạch bị chồng lấn. Đây đang là nỗi lo của nhiều DN kinh doanh lĩnh vực này.


Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương đã đầu tư gần 33 tỷ đồng để vận hành nhà máy, đầu tư hệ thống đường ống cung cấp nước cho người dân trên địa bàn 4 xã Kim Đính, Liên Hòa, Bình Dân, Cẩm La (xã Cẩm La nay đã sáp nhập với xã Đồng Gia thành xã Đồng Cẩm)

Sau "đè" lên trước

Hơn một năm nay, DN tư nhân Nam Khương ở xã Kim Đính (Kim Thành) đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng vì địa bàn cấp nước sạch bị chồng lấn với các đơn vị khác. Dự án Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Kim Đính của DN đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2.2010 với công suất 1.100 m3/ngày đêm. Do nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, DN Nam Khương đã xin nâng công suất nhà máy và mở rộng phạm vi cấp nước. Tháng 4.2018, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nâng công suất dự án Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Kim Đính của DN này với công suất 5.000 m3/ngày đêm; cấp nước sạch cho 4 xã ở huyện Kim Thành là Kim Đính, Liên Hòa, Bình Dân, Cẩm La (xã Cẩm La nay đã sáp nhập với xã Đồng Gia thành xã Đồng Cẩm).

Theo đại diện DN tư nhân Nam Khương, đến nay DN đã đầu tư gần 33 tỷ đồng để vận hành nhà máy, đầu tư hệ thống đường ống cung cấp nước cho người dân 4 xã trên. Công ty có hợp đồng mua bán nước sạch với trên 5.800 hộ. Từ tháng 7.2017 đến nay, Công ty CP Kinh doanh nước sạch và Vệ sinh môi trường Hải Dương đã cấp nước từ Trạm cấp nước xã Đồng Gia cho hơn 10 hộ dân xã Đồng Cẩm và bán buôn nước cho tổ dịch vụ tư nhân để cấp nước cho khoảng 300 hộ dân của xã Liên Hòa. Như vậy, địa bàn cấp nước ở 2 khu vực này đang có sự chồng lấn. "Việc chồng lấn địa bàn cấp nước đã gây thiệt hại lớn cho DN. Lượng nước của DN tiêu thụ tại xã Liên Hòa đã giảm khoảng 70%. Vốn chúng tôi vay ngân hàng để đầu tư dự án chưa trả nợ xong. DN đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm", ông Nguyễn Hồng Nam, Chủ DN tư nhân Nam Khương nói.

Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và xây dựng Mạnh Tùng ở phường Hiệp Sơn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét lại quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước sạch phường An Phụ (cùng ở thị xã Kinh Môn) do Công ty CP Kinh doanh nước sạch Kinh Môn làm chủ đầu tư. Theo quyết định chủ trương đầu tư, Nhà máy nước sạch An Phụ có công suất 19.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho nhân dân, cơ quan, DN trên địa bàn các xã, phường: An Phụ, Long Xuyên, Hiệp An, Hiệp Sơn, An Sinh, Thượng Quận và Nhà máy xử lý nước sạch Kinh MônI. Địa bàn cấp nước của dự án mới có 3 địa phương bị trùng với địa bàn cấp nước của Công ty Dịch vụ thương mại và xây dựng Mạnh Tùng.

Ông Dương Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại và xây dựng Mạnh Tùng cho biết DN đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng nhà máy nước sạch trên địa bàn phường Hiệp Sơn. Nhà máy hiện có công suất thiết kế 5.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho hơn 30.000 hộ dân trên địa bàn 5xã, phường của thị xã Kinh Môn. "Thanh tra tỉnh đã làm việc với công ty, chúng tôi đang chờ kết quả giải quyết thỏa đáng từ cơ quan chức năng", ông Vinh nói. 

Một số DN cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ cũng cho rằng địa bàn cấp nước chồng chéo là nỗi lo rất lớn của DN. DN đầu tư sau lấn sân vào địa bàn của DN đã đầu tư trước tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nói chung.    


Một hộ dân xã Liên Hòa (Kim Thành) có 2 đồng hồ cấp nước của 2 đơn vị khác nhau

Mỗi vùng một đơn vị

Quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã bị bãi bỏ vào cuối năm 2018. Đại diện Sở Xây dựng cho rằng việc bãi bỏ quy hoạch này có thể làm ảnh hưởng tới phát triển mạng lưới nước sạch trên địa bàn tỉnh. Việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch hiện nay phải theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Điều 32 của Nghị định 117 đã quy định rõ vùng phục vụ cấp nước. Theo nghị định, một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ này. Vùng phục vụ cấp nước được điều chỉnh khi có yêu cầu.

Để tránh tình trạng chồng lấn địa bàn cấp nước giữa dự án đầu tư sau với các dự án đã có, ông Trịnh Nam Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng trong quá trình thẩm định dự án cấp nước sạch, cơ quan chức năng của tỉnh cần làm chặt chẽ, lấy ý kiến tham gia của UBND cấp xã nơi dự án mới thực hiện. Các DN cần khảo sát kỹ, nghiên cứu mạng lưới cấp nước trên địa bàn dự kiến đầu tư để tránh trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí và dễ xảy ra xung đột.

MINH HỒNG