Du học sinh ở Hàn Quốc sẽ bị truy nã, ở tù vì bỏ học làm chui
Thế giới - Ngày đăng : 09:51, 13/12/2019
Đại học Quốc gia Incheon
Ngày 10.12, truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về sự "mất tích" của 164 sinh viên Việt Nam đang theo học tiếng Hàn ngắn hạn tại Đại học Incheon.
Dù khóa học kéo dài 1 năm nhưng những sinh viên này bỗng dưng biến mất chỉ sau khoảng 4 tháng theo học. Cảnh sát Hàn Quốc mới đây xác nhận nhóm sinh viên này trốn học ra ngoài làm chui trái phép.
Chi phí không hề nhỏ
Theo Trung tâm Đăng ký thị thực Hàn Quốc (KVAC), D4-1 là visa Hàn Quốc cấp cho những đối tượng có nhu cầu đi học tiếng Hàn tại các trường ngôn ngữ ở nước này. Đây là loại visa phổ biến nhất dành cho du học sinh với điều kiện khá đơn giản, bao gồm: là người nước ngoài, đã tốt nghiệp THPT với điểm trung bình 3 năm cấp III từ 5 trở lên, không có tiền án tiền sự, không bị cấm xuất nhập cảnh ở Việt Nam và Hàn Quốc, không có người thân cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Do thủ tục đơn giản và tỷ lệ đỗ visa cao, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam tìm đường sang Hàn Quốc bằng con đường xin visa D4-1. Tuy nhiên, do tỷ lệ trốn ra ngoài làm việc nhiều, kể từ 1.1.2020, du học sinh quốc tế muốn sang Hàn Quốc học tiếng Hàn bắt buộc phải có bằng TOPIK 2 (bằng tiếng Hàn gồm 6 cấp từ 1.6) mới được cấp visa D4-1.
Số tiền sinh viên Việt Nam phải tiêu tốn để có thể đến Hàn Quốc học ngôn ngữ không hề nhỏ. Sinh viên Việt Nam thường phải thông qua các trung tâm môi giới để làm thủ tục nhập học và xin visa. Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí ở các trung tâm này khoảng 3.000-4.000 USD, chưa tính đến số tiền mà du học sinh cần có trong sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng.
Sang đến Hàn Quốc, các du học sinh còn phải đối mặt với mức sống đắt đỏ. Do đó, nhiều du học sinh theo dạng tự túc sau khi đặt chân đến đất nước này đã bắt tay vào tìm kiếm việc làm. Theo thống kê của báo Korea Herald, mức lương làm việc bán thời gian trung bình ở Hàn Quốc là 7-10 USD (160.000 - 230.000 đồng) một giờ.
Nhiều rủi ro
Theo báo Korea Herald, nhiều du học sinh nước ngoài ở Hàn Quốc, bao gồm Việt Nam, đã bỏ học và trốn đi làm vì bị cám dỗ bởi cơ hội kiếm tiền. Tuy nhiên, hành động này kéo theo một chuỗi hậu quả khôn lường, đầu tiên là ảnh hưởng đến chính bản thân du học sinh.
Theo luật cư trú ở Hàn Quốc, du học sinh bỏ trốn tại nước này sẽ bị ghi vào "danh sách đen" của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc và thường sẽ không có cơ hội quay lại nước này. Người bỏ trốn sẽ bị cảnh sát Hàn Quốc truy nã trên diện toàn quốc và chịu mức tiền phạt có thể lên đến 5.000 USD. Người bỏ trốn khi bị bắt có thể ngồi tù đến 6 tháng để cảnh sát xem xét, điều tra hành vi phạm pháp.
Việc bỏ trốn cũng sẽ được chia theo hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu du học sinh bỏ ra ngoài lao động khi vẫn còn hạn visa thì sẽ không bị cảnh sát truy quét. Những người này có thể tự mua vé trở về nước khi visa hết hạn bình thường.
Đối với du học sinh đã hết hạn visa đương nhiên sẽ trở thành đối tượng cư trú bất hợp pháp, dẫn đến việc gặp một loạt rắc rối từ việc thuê nhà cho đến việc làm.
Cảnh sát Hàn Quốc cũng sẽ truy bắt các đối tượng này, khiến người bỏ trốn phải sống chui nhủi để tránh bị bắt và trục xuất khỏi Hàn Quốc bất cứ lúc nào. Trong quá trình sinh sống và làm việc, những người này cũng thường bị bóc lột sức lao động.
Cuối cùng, việc du học sinh Việt Nam học tiếng Hàn trốn ở lại cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách visa của Hàn Quốc đối với sinh viên Việt Nam nói chung.
Hãng thông tấn Yonhap nhận định vụ việc này có khả năng dẫn tới việc cơ quan chức năng của Hàn Quốc sẽ thắt chặt việc cấp thị thực (visa) du học cho các sinh viên, học sinh Việt Nam trong thời gian tới bằng cách đặt ra các quy định mới.
Theo Tuổi trẻ