Nhìn lại 20 năm lãnh đạo của ông Putin qua 20 bức ảnh
Thế giới - Ngày đăng : 22:11, 15/12/2019
Tổng thống Nga Vladimir Putin qua một số thời kỳ. Ảnh chụp màn hình The Moscow Times
Khi ông Bill Clinton còn là Tổng thống nước Mỹ, ông Vladimir Putin - một cựu điệp viên Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) - đã trở thành Tổng thống Nga vào ngày 31.12.1999.
Trong khoảng 20 năm sau đó, nước Mỹ có thêm 3 tổng thống, còn nước Anh có 5 thủ tướng. Riêng ông Putin vẫn lãnh đạo nước Nga, tính cả vai trò tổng thống và thủ tướng.
Cùng nhìn lại hành trình dài này qua 20 bức ảnh được Đài BBC chọn lọc:
Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga năm 2000 (ảnh) sau cuộc bầu cử tổng thống và giữ vị trí này tới năm 2008. Từ năm 2008 - 2012, ông làm Thủ tướng Nga. Sau đó, ông tiếp tục làm Tổng thống Nga từ năm 2012 đến nay.
Ban đầu, cựu điệp viên KGB Vladimir Putin được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nga khi Matxcova phát động chiến tranh Chechen lần thứ hai vào tháng 10.1999, để trả đũa cuộc xâm lược khu vực Dagestan (Nga) của quân Chechnya ly khai. Cho đến năm 2009, về cơ bản quân Nga đã dập tắt được phiến quân Chechnya.
Sau đó, ông Putin trở thành Tổng thống tạm quyền của Nga vào ngày 31.12.1999. Lúc này, ông Putin kế nhiệm Tổng thống Boris Yeltsin khi ông Yeltsin bất ngờ từ chức.
Đến tháng 3.2000, ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm tại Nga. Tới tháng 8 cùng năm, ông và nước Nga trải qua cơn sốc với vụ chìm tàu ngầm hạt nhân Kursk, khiến 118 người chết.
Trong nhiều năm, nước Nga liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công của các phiến quân, trong đó có vụ bắt giữ con tin trường học Beslan vào năm 2004 khiến 330 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em.
Các thành viên trong nội các của ông Putin đã dành một phút mặc niệm hồi tháng 9.2004 sau vụ bắt giữ con tin trường học Beslan. Ảnh: AFP
Trong thập niên đầu tiên, nhìn chung ông Putin có quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo phương Tây. Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush "con") đã mời ông Putin thăm cấp nhà nước tại Mỹ vào năm 2001. Cả hai Tổng thống đã cùng đến bang Texas, quê nhà của ông Bush, trong chuyến thăm này.
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (phải) đã đến thăm Nga vào năm 2003 để thảo luận tình hình ở Iraq.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã mời ông Putin thăm cấp nhà nước tại Anh vào năm 2003. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tại Anh đầu tiên được thực hiện bởi một nhà lãnh đạo Nga từ năm 1874.
Nga tổ chức hội nghị G8 vào năm 2006, xác nhận tư cách thành viên của Nga trong nhóm các nền công nghiệp hàng đầu của thế giới này. G8 gồm: Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada, Nga. Nhưng đến năm 2014, Nga bị loại bỏ khỏi G8, sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Từ đó, G8 chỉ có 7 nguyên thủ quốc gia họp mặt.
Theo Hiến pháp Nga, ông Putin không thể tiếp tục làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Do đó, năm 2008, ông Putin đã trở thành Thủ tướng Nga với nhiệm kỳ 4 năm. Trong thời gian này, ông Dmitry Medvedev từ Thủ tướng được bầu làm Tổng thống Nga.
Trong vị trí thủ tướng, ông Putin đến thăm những người bị thương tích trong cuộc chiến với Georgia.Ảnh: Getty
Các động thái của Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014 cùng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong cùng năm đã khiến quan hệ của ông Putin với các lãnh đạo phương Tây xấu đi. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Cũng liên quan tới Crimea, khi ông Putin đến dự cuộc trình diễn xe quốc tế ở bán đảo này vào tháng 8.2019, Ukraine đã gọi đây là sự "xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraine".
Liên quan tới quan hệ Nga và Ukraine, ngày 9-12-2019, Hội nghị thượng đỉnh "Bộ tứ Normandy" - gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp - đã diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp. Các nhà lãnh đạo của bộ tứ này gặp nhau để tìm ra giải pháp hướng tới chấm dứt xung đột ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, cuộc chiến duy nhất hiện nay trên lục địa châu Âu.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky (trái) của Ukraine gặp trực diện và là lần đầu tiên Bộ tứ Normandy gặp nhau kể từ tháng 10.2016.
Nga bắt đầu can thiệp vào tình hình Syria vào cuối tháng 9.2015. Với việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các phe đối lập của chính phủ Syria bị chính quyền xem là khủng bố.
Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nước Nga bị dính những cáo buộc của phía Mỹ về việc can thiệp bầu cử.
Ảnh: Tass
Năm 2018, Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở Salisbury, Anh.
Cùng với những giây phút căng thẳng trên chính trường, Tổng thống Putin đã xây dựng một hình thú vị về cuộc sống của mình, từ những chuyến đi dã ngoại cho tới những sở thích như bắn súng, bơi lội... Trong ảnh bên dưới, Tổng thống Putin cởi trần, cầm một cây súng bắn tỉa xuất hiện ở khu vực gần biên giới với Mông Cổ vào năm 2007.
Tổng thống Putin chơi đùa với 2 chó cưng Buffy và Yume vào năm 2013.
Ảnh: AFP
Tổng thống Putin cũng cho thấy tài năng thể thao của mình. Dưới thời của ông, gần đây nước Nga đăng cai 2 sự kiện thể thao quốc tế lớn là Olympic mùa đông 2014 ở Sochi và World Cup 2018.
Tuy nhiên, mới đây Cơ quan chống doping thế giới (WADA) thông qua lệnh cấm Nga tham gia các sự kiện thể thao thế giới trong 4 năm vì bê bối doping. Với lệnh cấm này, Nga sẽ không được phép tham gia Olympic mùa hè 2020, Olympic mùa đông 2022 và World Cup bóng đá nam 2022. Tổng thống Putin gọi lệnh cấm này "mang động cơ chính trị".
Theo Tuổi trẻ