Không có chuyện khai tử bằng kỹ sư

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:55, 16/12/2019

Đó là khẳng định của đại diện Bộ GDĐT liên quan đến thông tin 'khai tử bằng kỹ sư' đang xôn xao trên mạng xã hội hai ngày qua.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận bằng kỹ sư trong ngày tốt nghiệp

Chiều 14.12, trên trang cá nhân của một giáo sư Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng là một Facebooker nổi tiếng, có viết bài: "Khi văn hóa phong bì vẫn còn ngự trị, khai tử tấm bằng kỹ sư sẽ là một thảm họa!"

"Chính phủ đang dự định khai tử bằng kỹ sư" (?)

Tác giả viết: "Tấm bằng kỹ sư xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 60 năm nay, ở miền Bắc do Bách khoa Hà Nội cấp, ở miền Nam trước năm 1975 do Kỹ thuật Phú Thọ và sau năm 1975 là Bách khoa TP Hồ Chí Minh cấp, cũng như được mở rộng cho nhiều đại học khác…

Tuy nhiên, với sự tư vấn của một nhóm người lạ nào đó, chính phủ đang dự định khai tử tấm bằng kỹ sư với hơn 60 năm lịch sử, các đại học không được cấp bằng kỹ sư nữa, và họ dự định rằng các hội nghề nghiệp kỹ thuật sẽ cấp giấy phép hành nghề kỹ sư ở Việt Nam…"

Bài viết hiện đã có hàng ngàn lượt like (thích), share (chia sẻ) và hàng trăm lượt bình luận. Phần lớn các ý kiến phản đối, chửi "những kẻ tham mưu cho Chính phủ khai tử bằng kỹ sư".

Liên quan đến việc này, theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, có thể những dư luận 'xuất phát' từ một nội dung trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, gửi các tập thể, đơn vị, cá nhân góp ý do Bộ GDĐT công bố

Theo đó, văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng kỹ sư, bằng bác sĩ và một số loại văn bằng khác do Thủ tướng quy định.

Cũng theo dự thảo, trình độ đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương hoặc đã tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp đối với người đã có bằng cử nhân.

Như vậy theo dự thảo này, bằng kỹ sư được xếp vào nhóm văn bằng chuyên sâu đặc thù cùng với bằng bác sĩ và kiến trúc sư. Chương trình đào tạo kỹ sư nhiều hơn cử nhân ít nhất 30 tín chỉ.

Bằng kỹ sư vẫn thuộc hệ thống bằng giáo dục đại học

Đại diện Ban giám hiệu Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết thêm dự thảo nghị định trên trước đây gửi cho các nơi góp ý có nội dung đưa bằng kỹ sư vào danh mục văn bằng chuyên sâu. Từ đó đến nay cũng chưa thấy văn bản mới nào. Trong khi cũng có thông tin bên lề rằng Chính phủ đề nghị không đưa kỹ sư vào dạng mục văn bằng chuyên sâu.

"Tóm lại, không có gì chính thức cả. Tôi nghĩ, thầy N. (người viết bài trên Facebook cá nhân - PV) có quyền nêu quan điểm, có phân tích một cách khoa học về chuyện này nếu muốn đóng góp. Nhưng không thể quàng những ý linh tinh mang sắc thái cảm tính như phong bì, phong bao, nhóm lợi ích... viết bài trên mạng xã hội như vậy được", vị này nói.

Trong khi đó, chiều 16.12, đại diện Vụ Giáo dục đại học - Bộ GDĐT, cũng cho biết trong quá trình góp ý dự thảo nghị định có nhiều ý kiến khác nhau.

"Tóm lại là bằng kỹ sư vẫn được quy định trong nghị định, thuộc hệ thống bằng giáo dục đại học", một lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học khẳng định.

Đồng thời, vị này giới thiệu dự thảo mới nhất nghị định trên có nội dung: "Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định…".

Theo Tuổi trẻ