Triển vọng thương mại Mỹ-Trung sau thỏa thuận giai đoạn 1

Bình luận - Ngày đăng : 19:42, 16/12/2019

Ngay sau thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, phía Trung Quốc và Mỹ đều đã có động thái hoãn áp thuế đối với hàng hóa của nhau từ ngày 15.12.


Trung Quốc và Mỹ đều đã có động thái hoãn áp thuế đối với hàng hóa của nhau từ ngày 15.12

Đây là kế hoạch áp thuế vốn được hai nước lên kế hoạch trước đó. Như vậy, không những giúp “hạ nhiệt” những căng thẳng thương mại giữa hai nước kéo dài trong suốt 18 tháng qua, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 còn mở ra triển vọng giúp tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, cũng như cải thiện viễn cảnh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc.

Những điểm chính trong văn bản thỏa thuận giai đoạn 1

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã liên tục leo thang kể từ tháng 7.2018 khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Các nhà kinh tế đã từng cảnh báo rằng, tranh cãi thương mại kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang làm rối loạn các chuỗi nguồn cung, khiến giới đầu tư lo ngại và làm giảm lòng tin của các doanh nghiệp, theo đó làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, kể từ sau vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa quan chức hai nước Mỹ và Trung Quốc, tổ chức tại Washington hồi tháng 10-2019 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời phá vỡ được thế bế tắc với việc đạt nhất trí về thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1, nhằm làm giảm những thiệt hại “cấp bách” nhất của hai nền kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên mới dừng ở sự nhất trí về nguyên tắc, còn sau đó hai nước cần phải có thêm thời gian để đàm phán chi tiết các điều khoản để đi đến được một văn bản của thỏa thuận để trình lên lãnh đạo hai nước ký kết.

Khoảng thời gian 2 tháng qua là quãng thời gian các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ phải nỗ lực và khẩn trương thảo luận về các chi tiết của thỏa thuận. Quá trình đàm phán cho đến tận những ngày gần đây vẫn rất cam go và căng thẳng.

Những tín hiệu tích cực chỉ bắt đầu xuất hiện kể từ ngày 12-12, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter của mình đã thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến rất gần tới thỏa thuận thương mại. Ngay lập tức những thông tin trên đã mang lại những phản ứng tích cực cho thị trường thế giới nhờ tâm lý lạc quan về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Một ngày sau đó, ngày 13.12, cả Mỹ và Trung Quốc đều xác nhận đã đạt được thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1. Mặc dù không nước nào công bố văn bản xác nhận chi tiết thỏa thuận vừa đạt được, nhưng theo Tân Hoa Xã, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này gồm 9 chương: lời tựa, các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực và nông sản, các dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp, và các điều khoản cuối cùng.

Các nguồn thông tin cho biết, theo thỏa thuận mới đạt được, Mỹ đã đồng ý giảm thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể là Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vốn ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15.12; mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã áp trước đó thì vẫn giữ nguyên, còn mức thuế 15% với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (thực hiện từ ngày 1
9) thì giảm xuống còn 7,5%. Ngoài ra, Tổng thống Trump khẳng định Washington sẽ bắt đầu ngay đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.

Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, với cam kết sẽ tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới. Riêng  mặt hàng nông sản, Trung Quốc cam kết mua thêm 32 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Như vậy, Trung Quốc sẽ mua khoảng 40 tỷ USD một năm, so với mức 24 tỷ USD vào năm 2017. Đây hứa hẹn sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thời gian tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết giảm các hàng rào phi thuế quan đối với nông sản Mỹ như gia cầm, hải sản và phụ gia thức ăn cũng như phê duyệt các sản phẩm công nghệ sinh học. Đồng thời, Trung Quốc cũng cam kết tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, nhằm ngăn chặn việc bị ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các doanh nghiệp Trung Quốc; mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ; và tránh thao túng tiền tệ.

Ngày 15.12, Trung Quốc đã quyết định hoãn áp thuế bổ sung từ 5-10% đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu trị giá gần 160 tỷ USD của Mỹ vào Trung Quốc, vốn dự kiến thực hiện từ ngày 15-12. Đồng thời, Trung Quốc vẫn giữ nguyên quyết định trước đó hoãn đánh thuế bổ sung đối với mặt hàng ô tô và các linh kiện sản xuất tại Mỹ.

Mở ra triển vọng cho cả hai

Đánh giá về thỏa thuận một phần vừa đạt được, các nhà phân tích cho rằng mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 không thể giải quyết tất cả các vấn đề thương mại của 2 bên, nhưng nó là một bước đi tích cực giúp tránh một cuộc chiến thương mại "khốc liệt" có thể gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Về phía Mỹ, trước tiên đây là một thắng lợi giành cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang đến gần. Dù thỏa thuận vừa đạt được là giới hạn và chưa hoàn thành được mọi đề mục mà Tổng thống Trump đặt ra trong mục tiêu thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, song ông và đội ngũ của mình đã làm nổi bật lên rằng thỏa thuận là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump vẫn nỗ lực để giữ lời hứa từ chiến dịch tranh cử, nhất là trong bối cảnh đảng Dân chủ vẫn đang tìm cách luận tội ông.

Thỏa thuận cũng được cho là giúp trấn an những người nông dân và công nhân trong ngành sản xuất của Mỹ vốn đã bị tổn thương nặng nề trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hơn một năm qua. Đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, đồng nghĩa kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ít nhất 2% trong năm tới và tránh được suy thoái. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ giúp ích không nhỏ cho khả năng tái đắc cử của Trump. Hơn nữa, nông dân Mỹ cũng là những người được lợi khi Trung Quốc đã cam kết sẽ nhập khẩu một lượng nông sản khổng lồ từ Mỹ vào năm tới, vượt qua cả mức kỷ lục 26 tỷ USD hồi năm 2012.

Ngoài ra, việc Mỹ giảm nhẹ thuế đánh lên các mặt hàng phổ biến mà người dân Mỹ mua tại cửa hàng sẽ giúp các nhà bán lẻ lớn như Walmart giảm bớt được thiệt hại. Nhờ vào việc Mỹ hoãn thuế đánh vào những mặt hàng như đồ chơi và hàng công nghệ từ ngày 15-12 và giảm một nửa thuế, từ 15% xuống còn 7,5% đối với những hàng hóa như may mặc, sẽ giúp các nhà bán lẻ Mỹ có thể giữ cho giá không tăng trong dịp lễ năm nay.   

Với thỏa thuận mới, các công ty Mỹ cũng sẽ được cải thiện khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, bao gồm ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và tín dụng. Trước đây, Washington thường phàn nàn về các rào cản đầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm các hạn chế về vốn chủ sở hữu nước ngoài và các yêu cầu pháp lý mang tính phân biệt đối xử. Nhìn chung, đây sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc…

Trong khi đó đối với Trung Quốc, có thể thấy chiến tranh thương mại kéo dài hơn 1 năm qua đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước này, khi GDP quý III chỉ đạt mức tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong hơn 27 năm qua. Nhiều chỉ số kinh tế khác cũng đã gây thất vọng. Theo nghiên cứu của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, mức tăng trưởng năm tới của Trung Quốc có thể giảm xuống 5,3% nếu căng thẳng thương mại leo thang. Trung Quốc thời gian qua đã phải giảm thuế thu nhập cá nhân và trợ cấp cho người tiêu dùng để kích thích sức mua. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 10 tháng của năm 2019 cũng chỉ đạt 8,1%, trong khi chỉ số này năm 2018 là 9,2%.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận một phần vừa đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là mang lại khá nhiều lợi thế cho Trung Quốc. Thỏa thuận mới giúp Trung Quốc tránh được phần nào những đòn thuế quan mới của Mỹ, vốn là nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại thời gian qua, đồng thời có ý nghĩa không nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang đứng trước một viễn cảnh khá ảm đạm.

Nói về triển vọng thương mại Mỹ-Trung thời gian tới, ngày 15.12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng khẳng định, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "giai đoạn 1" sẽ giúp tăng gần gấp đôi lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 năm tiếp theo và thỏa thuận này đã "hoàn tất" mặc dù vẫn cần được dịch và cân nhắc từ ngữ trong văn bản thỏa thuận. Ông Lighthizer cho biết, có một vài vấn đề thường thấy đối với văn bản này, song "nó đã hoàn toàn hoàn tất, một cách tuyệt đối". Theo ông Lighthizer, hai bên vẫn đang thảo luận về thời gian và địa điểm để quan chức hai nước chính thức ký thỏa thuận này.

Theo dự kiến, hai nước sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận chính thức để được lãnh đạo hai nước ký vào tháng 1.2020 và thỏa thuận sẽ có hiệu lực 1 tháng sau đó. Nhìn chung về tổng thể, khi các chi tiết rõ ràng hơn, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ đem lại sự ổn định cho thương mại toàn cầu và ít nhất phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư rằng bất cứ sản phẩm nào được vận chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc đều có thể bị tác động bởi thuế quan vào bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung còn hứa hẹn sẽ có tác động tích cực tới niềm tin của giới doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới. Không thể phủ nhận, bất ổn gia tăng do xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn các kế hoạch đầu tư kể từ năm 2018 đến nay. Do đó, tác động quan trọng nhất của thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ là sự cải thiện được chờ đợi về niềm tin của doanh nghiệp…

Theo TTXVN