Tham nhũng và tha hóa quyền lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:48, 18/12/2019
Ông Son xuất thân là người lính, từng tham gia chiến đấu ở những chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Xiêng Khoảng (Lào) thời kháng chiến chống Mỹ và mặt trận Cao Bằng trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Sau đó, ông còn được nhận nhiệm vụ thiêng liêng ở Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi nhận các chức vụ tiếp theo và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT).
Với lý lịch như vậy thì sự tha hóa khi ngồi lên chiếc ghế quyền lực càng đáng trách. Điều gì là tác nhân của sự tha hóa này? Là những đồng USD chăng?
Đọc cáo trạng truy tố ông Son và đồng phạm, lại nhớ đến thời điểm ông Son chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện thương vụ đình đám này, cuối năm 2015, trùng với thời điểm ông nghị Lê Như Tiến có phát biểu nổi tiếng giữa phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội): Hoàng hôn nhiệm kỳ và những chuyến tàu vét.
Vâng. Có lẽ ông Nguyễn Bắc Son, trước khi về hưu, muốn có một "chuyến tàu vét" thật "nặng đô".
Ngồi ở tòa theo dõi diễn biến phiên xét xử, nhiều người bị ám ảnh bởi ba chữ: "cậu ký đi". Trên cương vị là Bộ trưởng TTTT tại thời điểm thực hiện dự án mua AVG, ông Son bị các cơ quan điều tra, truy tố xác định có vai trò "chủ mưu". Khai tại tòa, các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng đều khẳng định ông Son trực tiếp chỉ đạo, buộc họ phải ký vào các văn bản nhằm thực hiện bằng được thương vụ này.
"Cậu ký đi"!
Đó là mệnh lệnh của thủ trưởng, nó có tính áp chế quyền lực. Về lý thuyết, các thuộc cấp có thể từ chối ký vào văn bản nếu nhận thấy sự sai trái và không phù hợp pháp luật. Nhưng trong thực tế thử hỏi mấy ai dám trái ý người đứng đầu, hơn nữa khi người đứng đầu ấy là bộ trưởng?
Thương vụ AVG đi vào lịch sử tư pháp, bởi lần đầu tiên các bị can thừa nhận hành vi "nhận hối lộ".
Đây cũng là vụ án cho thấy hậu quả khôn lường của tham nhũng và tha hóa quyền lực, bởi nó "dắt cả dây" vào vòng tội lỗi đồng thời với sự "đục khoét" tài sản của Nhà nước và nhân dân.
LÊ KIÊN