Tiếng kèn xung trận của non sông

Tin tức - Ngày đăng : 13:32, 19/12/2019

Cách đây tròn 73 năm, vào ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch của Tổ quốc, là tiếng kèn xung trận của non sông, thiêng liêng và khẩn cấp, mạnh mẽ và tự tin.

Vì sao Bác Hồ phải viết lời kêu gọi? Cả dân tộc còn nhớ năm 1946, sau khi gây ra vụ Lạng Sơn, Hải Phòng vào tháng 10, thực dân Pháp cố ý khiêu khích chúng ta một cách trắng trợn và dồn dập bằng những hành động tàn ác.

Ngày 17.12.1946, chúng thảm sát nhân dân ở phố Hàng Bún (Hà Nội) và khiêu khích ở rất nhiều nơi của thủ đô. Ngày 18.12, chúng cho quân chiếm công sở của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính của ta. Trắng trợn hơn nữa, chúng hạ "tối hậu thư" đòi tước vũ khí của bộ đội, công an và tự vệ của cách mạng.

Rõ ràng chúng đã bội ước, xé bỏ Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9. Bằng hành động, thực dân Pháp đã tuyên bố cướp nước ta một lần nữa. Vì thế, nhân dân thủ đô đã đứng lên đánh giặc và Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi vào sáng 20.12.1946 tại hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông). Như vậy, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời từ lịch sử khách quan chứ không phải do ý muốn chủ quan của một cá nhân nào.

Thời điểm ra đời cũng rất đúng lúc. Nó không thể sớm hơn hoặc muộn hơn dẫu chỉ một ngày. Bởi vì nếu Lời kêu gọi ban ra sớm hơn tức là Chính phủ ta thích chiến tranh nên chủ động gây sự. Nếu Lời kêu gọi ban ra muộn hơn thì không kịp đoàn kết và định hướng cho toàn dân đánh giặc. Sự thiêng liêng của Lời kêu gọi là ở chỗ đó.

Chuyển tải một vấn đề cực kỳ lớn lao và vô cùng quan trọng nhưng Lời kêu gọi lại rất ngắn gọn. Cả văn bản chỉ có 196 chữ (không kể tên bài). Mặc dù Lời kêu gọi rất ngắn nhưng cực kỳ đầy đủ, rành rẽ.

Xét dưới góc độ nghệ thuật thì đây là một tác phẩm chính luận mẫu mực được sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật. Vì là loại văn nhằm mục đích kêu gọi hành động nên cả bài có 3 câu văn kêu gọi. Mở đầu là "Hỡi đồng bào toàn quốc" mang tính khái quát, rộng lớn, chung. Giữa bài là "Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên". Câu kêu gọi này cụ thể hơn vì đề cập đến hành động "đứng lên". Cuối bài là "Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!" mang tính chi tiết trong đối tượng kêu gọi và chính là lực lượng chủ công của hành động.

Về nội dung, bài viết của Bác có thể chia ra 4 đoạn với 5 nội dung khác nhau nhưng liên kết với nhau chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt có đoạn chỉ có một câu. Ở đoạn một "Chúng ta... lần nữa" gồm hai câu với hai vế: "chúng ta" và "thực dân Pháp". Ta thì "càng nhân nhượng". Pháp thì "càng lấn tới". Sự đối lập giữa hai vế "ta" và "Pháp" đã lên đến cao độ qua hai từ "càng". Từ đó bật ra âm mưu thâm độc của chúng "quyết tâm cướp nước ta lần nữa". Bác đã chỉ rõ: Pháp không chỉ muốn cướp mà còn "quyết tâm" cướp. Chỉ một từ "quyết tâm" thôi đủ nói dã tâm của Pháp đến mức nào.

Đọc đọan một, chúng ta thấy dâng lên trong lòng sự căm uất cao độ bọn Pháp xâm lược. Sự căm uất như bị dồn nén để bật ra thành lời nói ở đoạn 2: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Câu văn có âm điệu và lời lẽ rắn như thép. Cả đoạn có 22 chữ nhưng có ba chữ "không" và hai từ "nhất định". Cụm từ "nhất định không" lặp lại hai lần trong một câu có tính khẳng định sự bất di bất dịch ý chí của dân tộc. Đoạn văn là lời thề sắt đá của nhân dân ta.

Sang đoạn ba có hai câu. Câu trên nói về đối tượng tham gia kháng chiến, Bác dùng từ "bất kỳ" hai lần kèm theo là giới tính "đàn ông, đàn bà" rồi tuổi tác "già trẻ", sau là thành phần xã hội "tôn giáo, đảng phái, dân tộc" nhưng làm sao kể ra hết được nên Bác buộc vấn đề lại bằng cụm từ mang tính bao quát "Hễ là người Việt Nam".

Ở câu dưới, Bác nói về vũ khí đánh giặc: súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc. Năm loại vũ khí nêu trên thì bốn loại là của dân tự tạo. Trong đó có những thứ là dụng cụ lao động nông nghiệp (cuốc, thuổng). Có thứ có sẵn trong tự nhiên (gậy gộc).

Cả đoạn là đường lối chiến tranh nhân dân được Bác chỉ ra. "Người lính" là nhân dân. Vũ khí cũng mang yếu tố nhân dân, có sẵn, dùng được ngay, không cần tập luyện. Một dân tộc nghèo đói và lạc hậu phải đứng lên chống lại một đế quốc hùng mạnh và hiện đại thì không có đường lối kháng chiến nào tối ưu hơn đường lối chiến tranh nhân dân.

Đoạn bốn là lời kêu gọi cụ thể đối với lực lượng chủ chốt của kháng chiến: "Binh sĩ, tự vệ, dân quân". Đây là lực lượng cốt lõi của cách mạng. Với lực lượng này, Bác khích lệ ý chí anh hùng trong con người họ và sự thiêng liêng của việc đứng lên đánh giặc: "Giờ cứu quốc đã đến" thật là cấp thiết và xúc động. Bác gián tiếp giao nhiệm vụ cho chiến sĩ "Phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước". Đoạn này cũng chỉ có hai câu. Câu một là khích lệ và giao nhiệm vụ. Câu hai Bác truyền đến cho binh sĩ, tự vệ, dân quân một niềm tin sắt đá và thắng lợi của kháng chiến.

Niềm tin Bác nêu hoàn toàn có cơ sở thực tế, hoàn toàn không chủ quan, không giáo điều. Bác hiểu rõ kháng chiến rất gian lao. "Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh", tức là ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì "thắng lợi nhất định về dân tộc ta".

Câu văn có logic chặt chẽ kết ba ý thành một giúp người nghe tin vào thắng lợi của kháng chiến mặc dù lúc này kẻ thù rất mạnh mà ta thì non yếu vô cùng. Niềm tin vào thắng lợi là niềm tin có cơ sở. Vì vậy, nó tạo nên sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân ta, bộ đội ta, dân quân tự vệ ta. Trước khi kết thúc, Bác đặt dưới bài viết hai khẩu hiệu "Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm", "Kháng chiến thắng lợi muôn năm".

Cách mạng mới thành công. Lúc ấy 95% số dân mù chữ. Cả nước chưa thoát khỏi giặc đói, giặc dốt thì giặc ngoại xâm lại đánh ta trước. Dân ta đang trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Vệ quốc quân, dân quân, tự vệ trình độ học vấn cũng không hơn gì. Tất cả cái đó là nguyên nhân thực tiễn để Bác viết lời kêu gọi rất ngắn, gọn. Từ ngữ dễ hiểu, nhịp văn mạnh mẽ, cuốn hút để ai nghe cũng hiểu và hiểu để làm theo. Vì lẽ đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác đã thành tiếng kèn xung trận, tiếp lửa đấu tranh cho quân dân cả nước, mang đến cho toàn dân một sức mạnh và sự sáng tạo, xứng đáng là áng văn bất hủ, sáng ngời trong lịch sử dân tộc.

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

HỒ CHÍ MINH

VĂN DUY