Bảo đảm nguồn cung với giá hợp lý

Thị trường - Ngày đăng : 14:48, 19/12/2019

Trong những ngày gần đây giá lợn hơi liên tục tăng ở cả miền Nam và miền Bắc. Nếu so với cùng kỳ tháng trước, giá lợn hơi đã tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Giá lợn tăng cao đang khiến sức mua tại các chợ giảm mạnh. Vì vậy, việc bình ổn thị trường mặt hàng này cũng như đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý trong thời điểm hiện nay và dịp Tết Nguyên đán đang cận kề là nhiệm vụ được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện.


Giá thịt lợn tăng từng ngày

Mỗi ngày một giá

Đến khu vực bày bán thịt lợn của chợ dân sinh tại phố Thanh Nhàn, Hà Nội, nếu như tháng trước, khu này luôn đông khách mua hàng thì nay khá vắng vẻ. Nhiều quầy hàng thịt lợn trống trơn, nhiều hàng đã hết thịt từ rất sớm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, một tiểu thương bán thịt tại chợ cho biết, từ gần tháng nay, khách mua thịt lợn tại quầy của bà giảm hẳn bởi giá quá cao. Tháng trước giá các loại thịt thăn, nạc vai, ba chỉ có giá từ 130.000-140.000 đồng/kg thì nay tăng lên từ 160.000-180.000 đồng/kg. Từ đầu tháng đến nay, giá lợn tăng khoảng 20.000 đồng/kg, lượng bán chậm hơn bởi nhiều người dân mua ít hơn và thậm chí chuyển sang đồ ăn khác.

Còn bà Lê Thị May, ở quầy bên cạnh buồn rầu chia sẻ, bán được ít nên bà chỉ lấy hàng bán cầm chừng giữ chỗ. Giá thịt lấy tại lò mổ mỗi ngày một giá. Trước đây, mỗi ngày bà tiêu thụ được từ 1,5 đến 2 con lợn (khoảng 100-120 kg móc hàm) thì nay bà chỉ lấy nửa con cũng không bán hết. Để giữ chỗ bà phải bán thêm cả thịt gà, thịt vịt cùng với thịt lợn. Nhiều hộ trong chợ đã không bán thịt lợn nữa mà đóng cửa hàng đợi khi giá thịt hạ nhiệt mới tiếp tục kinh doanh trở lại.

Về phía người tiêu dùng, chị Lâm Phương Anh, công nhân Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho hay, giá thịt tăng cao và mỗi ngày một giá. Cách đây mấy ngày chị mua thịt ba chỉ có giá 140.000 đồng/kg thì nay đã lên đến 170.000 đồng/kg.

Với thu nhập của chị nên khi mua phải đắn đo, cân nhắc. Giờ chuyển sang thịt bò thì giá cũng cao, thịt gà cũng không phải ăn thường xuyên.
Thịt lợn là món ăn chính thì giờ gia đình chị cũng buộc phải cắt giảm. “ Đây là tâm lý chung của nhiều gia đình công nhân như chúng tôi. Thôi thì ăn ít đi một chút vì thay đổi sang thứ khác cũng khó”, chị Phương Anh bày tỏ.

Theo một chủ lò giết mổ tại quận Hoàng Mai, mỗi ngày cơ sở này giết mổ khoảng từ 60-70 con lợn. Nhưng thời gian gần đây, vì giá cao nên lượng hàng do cơ sở giết mổ giảm hẳn và hiện mỗi ngày cơ sở này chỉ giết được từ 20-30 con (phụ thuộc vào số lượng các tiểu thương đăng ký).

Ngay cả giá lợn nhập về lò mổ cũng không ổn định và lò mổ cũng phải điều chỉnh giá vì phụ thuộc vào giá lợn nhập về. Vừa qua, giá lợn hơi đã tăng lên trên 90.000 đồng/kg nên sau khi mổ, thịt lợn loại ngon các loại khi đến tay người tiêu dùng ít nhất cũng có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg (tùy loại).

Khảo sát thực tế cho thấy, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống như Chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, 8/3... đã tăng thêm so với trước đây từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Cụ thể, thịt lợn hiện bán ở mức 150.000- 200.000 đồng/kg; nội tạng lợn như tim, cật 280.000 - 300.000 đồng/kg (trước đây 180.000 đồng/kg), sườn ngon 200.000 đồng/kg...

Còn tại các siêu thị, Trung tâm thương mại, giá các mặt hàng thịt lợn vẫn ổn định từ 180.000-200.000 đồng/kg từ nhiều ngày nay mặc dù giá thịt tại các chợ có biến động. Chẳng hạn, tại siêu thị của Trung tâm thương mại AEON Long Biên, giá thịt lợn từ 180.000-210.000 đồng/kg (tùy loại ). Hay ở siêu thị của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) giá được niêm yết từ 180.000-200.000 đồng/kg (tùy loại). Mặc dù cao hơn so với giá thị trường nhưng, mua ở siêu thị thì người tiêu dùng sẽ có tâm lý an tâm hơn bởi được đảm bảo thịt an toàn, sạch.

Bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung

Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11.2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.  

Các chuyên gia về nông nghiệp cho biết, nguyên nhân việc thiếu hụt nguồn cung làm cho mặt hàng này tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm từ đầu năm và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch chưa được khống chế; chưa có vắc xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung - cầu cục bộ tại một số địa phương, từ đó đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn cũng đẩy giá thịt lợn lên.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian dịp Tết sắp tới, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng thường. Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn thịt hơi.

Lượng thịt thiếu hụt sẽ được thành phố bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận. Bởi, Hà Nội đã có thỏa thuận phối hợp về phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố.

Tổng đàn lợn trên địa bàn thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai hiện cũng đã giảm gần 50% so với thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện (tháng 4 năm 2019). Việc tái đàn chưa thể thực hiện do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh. Ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Sở Công Thương Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nguồn dự phòng khoảng 30 tỷ đồng thực hiện khi xảy ra khan hiếm thịt lợn hoặc sốt giá.

Vụ thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) dự báo, nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1.2020 là khoảng 600.000 tấn thịt. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020.

Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; trong đó, tập trung chú trọng vào kết nối mặt hàng thịt lợn tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hòa Bình,  Hà Nam…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan như  Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn làm việc về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó, chú trọng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn.

Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.

Bên cạnh đó, nhập khẩu thịt lợn cũng là giải pháp được thực hiện để bình ổn thị trường mặt hàng này, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 10, cả nước đã nhập khẩu 96.000 tấn thịt lợn với trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, khi dịch xảy ra dịch, Chính phủ và Bộ đã chỉ đạo cơ cấu ngay lại chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay cả nước có khoảng 280.000 tấn sản phẩm thực phẩm gia cầm; đại gia súc như bò tăng 6.000 tấn, dê cừu tăng trên 5.000 tấn. Như vậy, riêng sản phẩm chăn nuôi tăng trên 300.000 tấn so với 2018. Đồng thời, phát triển thủy sản tăng 130.000 tấn góp phần tăng tổng sản lượng là hơn 430.000 tấn thực phẩm phục vụ tăng trưởng nền kinh tế và bù đắp một phần thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.

Chặn hiện tượng găm hàng, thổi giá

Để kiểm soát chặt thị trường thịt lợn, Bộ Công Thương có kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y… thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tránh hiện tượng tiêu thụ thịt lợn không có nguồn gốc xuất xứ, gây bất ổn thị trường.

Theo đó, Bộ Công Thương tập trung kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng giám sát chặt việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.

Báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu…cho biết, trong thời gian gần đây có việc một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên phía biên giới nhưng lượng không nhiều và chỉ đưa vào phục vụ người dân địa phương tại các khu dân cư, không phải đưa qua biên giới. Bởi, phía Trung Quốc cũng ngăn chặn lợn đưa sang biên giới do lo ngại dịch tả lợn châu Phi lây lan.

Trước hiện tượng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Bộ cũng chỉ đạo sát sao các Cục quản lý thị trường địa phương và trực tiếp Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tổng cục Quản thị trường tham gia Đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường và đánh giá việc triển khai, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn qua biên giới. Tuy nhiên, việc ngăn chặn xuất khẩu lậu lợn qua biên giới cần sự phối hợp rất chặt chẽ của các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, thú y…

Mặc dù các giải pháp nhằm hỗ trợ nguồn cung thịt lợn được các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương rốt ráo thực hiện nhưng giá thịt lợn trên thị trường chưa có dấu hiện giảm. Trước tình hình này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

Theo đó, Phó Thủ tướng đã phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19.11.2019 của Văn phòng Chính phủ.