Đừng thưởng tết bằng hiện vật!
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:36, 19/12/2019
Luật này sẽ thực hiện từ ngày 1.1.2021, nhưng không khỏi gợi nỗi niềm người lao động giữa những ngày mong thưởng tết này.
Nghe thôi đã chạnh lòng
Ngày tết, người lao động có hai khát khao: được đoàn tụ với gia đình và được sắm sửa tết cho bản thân và người thân. Với những người lao động xa quê và có đồng lương khiêm tốn, tết dường như là dịp duy nhất trong năm để họ thực hiện khát khao đó. Nếu tiền thưởng tết được thay bằng hiện vật, niềm vui của họ có thể vơi bớt một chút.
Có ý kiến cho rằng hiện vật cũng được mua bằng tiền, nếu không dùng có thể nhượng hoặc tặng lại cho người thân, bạn bè. Nhưng ai cũng biết hiện vật là hàng hóa, dịch vụ mang giá trị 10, nhưng khi bán ra (nhất là trong tâm thế của người bán... phải bán gấp) thì giá trị rớt xuống 5, 6. Chưa kể đến việc hiện vật nào, có thể quy ra tiền được hay không, bản thân người lao động dùng được hay không?
Quà tết của công ty lâu nay là một phần trong quỹ tiền thưởng. Và mọi người rất vui với quà này, rồi tìm cách mang về quê cho cha mẹ, người thân nếu họ không có nhà ở nơi làm việc. Và đây cũng là một câu chuyện rắc rối hơn, khi nhiều phần quà to kềnh nhưng giá trị không đáng kể (có thể mua ở quê). Có khi họ phải mất phí gửi hàng hóa, xe khách chật chội các thùng quà cáp to nhỏ...
Người Việt Nam ta có câu "10 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng" để nói lên giá trị là tiền thưởng với người lao động, đặc biệt vào dịp tết. Thưởng bằng hiện vật có lẽ nên dừng lại ở hình thức "món quà" dành trong những trường hợp khác, lúc đó sẽ văn minh và có ý nghĩa với người lao động hơn.
Cuối cùng, chỉ có những người no đủ mới không cần lo chuyện tiền thưởng tết, còn với người lao động thì đó là một nhu cầu. Mong những người sử dụng lao động, trong không khí phấn khởi cuối năm, hãy gắng đáp ứng mong chờ thưởng tết bằng tiền của người lao động bằng quà thưởng thiết thực.
Hãy để họ được tự do lựa chọn những "hiện vật tết" mà họ mong mỏi suốt năm qua, thay vì ngậm ngùi nhận những hiện vật thưởng mà bán cũng chẳng xong, đem về cũng chẳng được.
KHÁNH HƯNG
Thưởng thế nào để đôi bên cùng vui
Tôi kinh doanh phòng trọ ở một quận vùng ven TP Hồ Chí Minh hơn 20 năm nay, nên đã chứng kiến nhiều câu chuyện vui buồn liên quan thưởng tết cho người lao động. Trong đó không thiếu những chuyện dở khóc dở cười.
Có anh công nhân của một công ty giày da, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 được công ty "lì xì" hai đôi giày thay cho tiền mặt. Khổ nỗi, năm trước anh cũng từng được thưởng một đôi mà mấy khi anh có dịp "khoe". Thế là bốn chiếc giày theo anh "vạn dặm" về miền Trung làm quà cho người thân.
Cạnh bên, hai vợ chồng quê miền Tây làm việc ở công ty mỹ phẩm. Những tháng được xếp loại xuất sắc, anh chị được thưởng bằng sữa tắm, dầu gội, nước hoa... đều tặng lại các phòng hàng xóm vì tiêu thụ không hết. Tết năm vừa rồi, công ty gặp khó khăn nên thưởng mỗi người vài thùng quà "cây nhà lá vườn".
Mang theo về quê thì vất vả quá, nên buổi tối vợ chồng anh tranh thủ bày bán bên lề đường với giá rẻ, mong bán được đồng nào hay đồng ấy. Họ nhẫn nại mời mọc người mua ủng hộ, xem như một cách nhận tiền thưởng tết.
Còn cô gái làm việc trong một nhà máy mì ăn liền đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi cuối năm ngoái được nhận quà tết là 5 thùng mì gói. Nếu ăn mì trừ cơm cũng phải mất 50 ngày mới hết khoản thưởng kia. Ngày tết, về quê tàu xe khó khăn, muốn mang về cũng không tiện. Cô đem tặng cho những phòng khác, đổi lại món khác để sử dụng dần.
Cứ đến gần tết, khu phòng trọ trở nên sôi động với không khí trao đổi hàng hóa. Càng về cuối năm, công nhân ở trọ thường hỏi thăm bạn bè có được thưởng tết không và thưởng bằng gì để tính chuyện đổi khi cần.
Một anh ở trọ 10 năm tâm sự: ngày tết được nhận quà hay tiền mặt cũng đều có ý nghĩa. Tiền đương nhiên dễ xử lý, song nếu là hiện vật thì được cho những món quà thiết thực với cuộc sống hằng ngày. Chỉ buồn (và cả lo nữa) nếu tiền thưởng được quy đổi tất cả thành hiện vật. "Quà" nhiều nhưng túi rỗng về quê cũng ngậm ngùi lắm!
HẰNG NGA
"Thưởng" không chỉ bằng tiền Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng" như bộ luật cũ. Theo đó, khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền hoặc tài sản, hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. |
Theo Tuổi trẻ