95 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi: Một đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam hiện đại
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 16:18, 19/12/2019
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi
Ông đã để lại một di sản văn hoá lớn ở nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn học, sân khấu, âm nhạc…. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng, với những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền và ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học-nghệ thuật nước nhà.
Ông sinh vào ngày này cách đây 95 năm, ngày 20.12.1924.
Một trí thức yêu nước, đa tài
Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh và học rất giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn triết. Ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết một số sách triết học, như: "Triết học nhập môn" (1942), "Triết học Căng" (1942), "Triết học Nitsơ" (1942), "Triết học Anhxtanh" (1942), "Siêu hình học" (1942).
Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông học luật ở Đại học Đông Dương và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá Cứu quốc. Là một trí thức yêu nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Tháng 7.1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Từ đó cho đến cuối đời, ông liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, như: Tổng Thư ký Hội Văn nghệ, Tổng Thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam.
Về nghiệp cầm bút, ông tự nhận mình đã đi lầm vào con đường văn xuôi. Điều ông tâm đắc nhất, đó là những bài thơ. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của ông rất phong phú và đa dạng, ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch, nhạc mà lĩnh vực nào cũng có nét đặc biệt đáng trân trọng.
Mang đến thơ ca một diện mạo mới
Thơ là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết nhất. Ông mang đến một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại, nổi bật với những bài như: "Đất nước", "Người chiến sĩ", "Bài thơ Hắc Hải", "Dòng sông xanh"... Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước "vất vả, gian nan” nhưng “tươi thắm vô ngần", với những con người “một nắng hai sương” mà vẫn kiên cường, bất khuất. Những câu thơ của ông luôn tha thiết, lắng đọng, giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành, đôn hậu.
Trong đó “Đất nước", sáng tác năm 1948-1955, là bài thơ nổi bật của Nguyễn Đình Thi. Đây thực sự là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc. Với những “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại…” và kết lại bằng ánh sáng, niềm tin và khát vọng mạnh mẽ của “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. “Đất nước” được đưa vào chương trình giáo khoa môn Văn lớp 12 từ sau ngày giải phóng và cũng được nhạc sĩ Đăng Hữu Phúc phổ thành bản giao hưởng-hợp xướng mang cùng tên Đất nước.
Nguyễn Đình Thi cũng luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca. Ông là người đầu tiên làm thay đổi thơ Việt Nam hiện đại theo cách cấu tạo hình ảnh mới, năng động, đa nghĩa và phức điệu. Thơ ông hàm súc và giản dị, có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ phóng khoáng, tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn vào đâu được. Chính những nỗ lực đổi mới thơ ca này đã mang đến cho ông phong cách riêng, vô cùng độc đáo, khiến người đọc háo hức và say mê. Nhiều thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam sau này đã kế thừa và phát huy những cách tân đầy nghệ thuật này của ông.
Một nhà văn luôn phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Đình Thi cùng với một thế hệ các nhà văn cách mạng như Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đăng hăng hái tham gia kháng chiến, hoà mình vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi đã phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta.
Tiểu thuyết đầu tay "Xung kích" đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng trung du (1951). Tác phẩm này đã đạt giải thưởng văn nghệ năm 1951-1952. Những tác phẩm tiếp theo, như: "Thu đông năm nay" (1954), "Bên bờ sông Lô" (1957), "Vào lửa" (1966), "Mặt trận trên cao" (1967), đều mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thành công lớn nhất ở thể loại văn xuôi của ông là bộ tiểu thuyết "Vỡ bờ", gồm 2 tập với hơn 1.000 trang. Đây là bộ sử thi bề thế, phản ánh cuộc sống đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của Đảng trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Không chỉ là một nhà văn tài hoa, Nguyễn Đình Thi còn là một cây bút viết lý luận, phê bình văn học khá sắc sảo và có phong cách riêng. Tiểu luận "Nhận đường" của ông đã giúp thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ tìm ra con đường đi đúng đắn: "Văn nghệ phụng sự chiến đấu nhưng chính chiến đấu đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc lên văn nghệ mới của chúng ta".
Người mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ
Tuy không phải là một người chuyên viết kịch, nhưng đến nay, hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam. Ông mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ, từ vở "Con nai đen" (1961) đến "Hoa và Ngần" (1975), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Người đàn bà hóa đá" (1980), "Giấc mơ" (1983), "Tiếng sóng" (1985)... Kịch bản nào cũng là những nỗ lực cách tân không mệt mỏi của Nguyễn Đình Thi, nhằm mở rộng dung lượng cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch.
Trong số đó, "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" là vở kịch đầy tâm huyết trăn trở về cuộc đời của ông, đã gây ra một hiện tượng trong đời sống sân khấu nói riêng và văn nghệ nói chung những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Sau này, vở "Rừng trúc" (1979) của Nguyễn Đình Thi được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành trình diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và được tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999.
Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hoá đa dạng nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hoá cổ kim, đông tây, dân gian, bác học được hội tụ và toả sáng. Dù đa dạng về sắc thái, tính chất nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với nhân dân, thể hiện những trăn trở, xót xa về số phận con người và những khát vọng sáng tạo nghệ thuật.
Nhiều nhà phê bình đã nhận xét: kịch của Nguyễn Đình Thi đa dạng, giàu chất thơ, nhạc giàu tính triết lý, tưởng tượng, đan xen hài hòa giữa cái thực và cái ảo khiến cho những tác phẩm của ông mang một dấu ấn riêng biệt, độc đáo.
Người nhạc sĩ tài hoa, tâm huyết
Trong rất nhiều danh hiệu của ông như nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà văn hoá... thì người ta còn phải nhắc đến một danh hiệu cao quý khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Mặc dù ở lĩnh vực âm nhạc chỉ như một chàng lãng tử ghé qua nhưng Nguyễn Đình Thi đã để lại những tác phẩm để đời.
Tuy sáng tác không nhiều nhưng tác phẩm “Người Hà Nội” và “Diệt phát xít” - hai tác phẩm âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX - luôn gợi cho người nghe một cảm xúc dâng trào, rạo rực và mãnh liệt đến kỳ lạ. Và không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe "Người Hà Nội" mà không thấy rạo rực trong lòng: " Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...". Những lời ca thiết tha, hào hùng, giai điệu sâu lắng của ca khúc đã chinh phục trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam và cả những người yêu Việt Nam trên toàn thế giới.
Sau này, bài hát “Người Hà Nội” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội và bài “Diệt phát xít” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ với hai ca khúc nhưng Nguyễn Đình Thi xứng đáng với danh hiệu nhạc sĩ, danh hiệu cao quý mà những người yêu âm nhạc tôn vinh ông.
Là nghệ sĩ rất mực tài hoa, là nhà lãnh đạo văn hóa-nghệ thuật xuất sắc nhưng Nguyễn Đình Thi luôn sống chân thành, giản dị và khiêm nhường. Cho đến cuối đời ông vẫn tự nhận là: "Tôi không nói được mình đã trải đời/ Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống...". Sự khiêm tốn đến mức chân thật ấy khiến chúng ta càng kính trọng ông hơn. Ông xứng đáng là một nhân cách có bản lĩnh văn hoá, một đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Đình Thi qua đời ngày 18.4.2003, nhưng sự nghiệp của ông, trí tuệ và tài năng của ông thì còn mãi. Với những công lao và cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996) cho các tác phẩm: "Xung kích" (1961, tiểu thuyết), “Mấy vấn đề văn học” (1956, tiểu luận), “Vào lửa” (1966, tiểu thuyết), “Công việc của người viết tiểu thuyết” (1966), “Mặt trận trên cao” (1967, tiểu thuyết), “Vỡ bờ” (1969, tiểu thuyết), “Người chiến sĩ” (1958, thơ), “Bài thơ Bắc Hải” (1959, thơ), “Dòng sông trong xanh” (1974, thơ), “Tia nắng” (1983, thơ), “Hoa và Ngần” (1975, kịch), “Người đàn bà hóa đá” (1980, kịch), “Giấc mơ” (1983, kịch), “Tiếng sóng” (1985, kịch).
Năm 2015, tên của ông đã được đặt cho một con phố nên thơ bên Hồ Tây lộng gió ở Hà Nội.
Theo TTXVN