Sớm bình ổn thị trường thịt lợn
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:26, 21/12/2019
Giá thịt lợn và nỗi lo sẽ thiếu thịt lợn để ăn Tết đang là băn khoăn của không ít bà nội trợ. Cũng dễ hiểu khi thịt lợn vốn được sử dụng phổ biến trong bữa cơm hằng ngày của các gia đình thì nay đang dần phải hạn chế vì giá cao.
Giá thịt lợn leo thang do nguồn cung khan hiếm, nhiều người đã phải thay thế bằng các loại thịt khác. Nhưng quả thật khó có thể bỏ được thực phẩm này trong một thời gian dài. Người tiêu dùng khá băn khoăn khi chưa biết tới bao giờ giá thịt lợn mới được bình ổn để không ảnh hưởng đến chi phí bữa ăn của gia đình mình.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong người dân thông cảm vì giá thịt lợn tăng cao và kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Thậm chí vị tư lệnh ngành nông nghiệp còn trấn an rằng nguồn cung thịt lợn không quá khan hiếm và chuyện tăng giá chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Nhưng thực tế hiện nay giá thịt lợn đã tăng ở nhiều nơi trong cả nước, kể cả tại "thủ phủ" chăn nuôi lợn như các tỉnh Hà Nam, Đồng Nai. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, chịu trách nhiệm về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành đã khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng, nguồn cung thịt lợn giảm sút nghiêm trọng. Ngay ở tỉnh ta tính đến nay cũng chỉ còn khoảng 200.000 con lợn. Số lượng này quá nhỏ để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do khan hiếm, có thể giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục tăng. Ngay thời điểm này, các cơ quan liên quan cần có giải pháp bình ổn giá thịt lợn.
Trước mắt khi chưa thể tái đàn lợn trên diện rộng thì nhập khẩu thịt lợn cũng là một giải pháp để bình ổn thị trường. Trước đây, một số siêu thị trong tỉnh đã nhập thịt lợn về bán. Tuy nhiên, số lượng không nhiều do nguồn cung trong nước khá dồi dào.
Hơn nữa, người dân lại có thói quen sử dụng thịt tươi, không thích thịt lợn đông lạnh nên bán khá chậm. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh, siêu thị đã không nhập lại mặt hàng này nữa.
Thế nhưng, đó là trước đây, còn hiện nguồn cung khan hiếm thì thịt lợn đông lạnh cũng có thể là một lựa chọn của các bà nội trợ. Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà.
Có thể đây là giải pháp cần thiết để bình ổn thị trường cho đến khi việc chăn nuôi lợn trong nước bình thường trở lại và nguồn cung thịt lợn bảo đảm. Bộ Tài chính cũng nên có lộ trình giảm thuế phù hợp, để không ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước.
Bộ Công thương nên kiểm soát tốt nguồn thịt nhập khẩu. Nếu nguồn thịt nhập về không chất lượng, thiếu an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và chính sách bình ổn thị trường thịt lợn. Việc nhập khẩu thịt lợn cũng phải được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh nếu không sẽ tạo cơ hội cho DTLCP quay trở lại.
Ngoài phương án nhập khẩu thì cần sớm khôi phục chăn nuôi trong nước. Theo thông tin từ cơ quan thú y của tỉnh, hiện tất cả các địa phương đã công bố hết DTLCP. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần sớm tìm giải pháp để tái đàn ở những nơi đủ điều kiện.
Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi không bị nhiễm DTLCP trong thời gian qua cũng cần tăng cường phòng bệnh, chăn nuôi an toàn để bảo đảm nguồn cung. Tuy nhiên, không vì thiếu thịt lợn mà người nuôi tăng đàn, tái đàn một cách ồ ạt, tránh nguy cơ mất an toàn dịch bệnh.
HẢI MINH