Không thể có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu

Công nghiệp - Ngày đăng : 11:10, 23/12/2019

Không có doanh nghiệp thì không thể có nền kinh tế lớn, thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nhân và cá nhân xuất sắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc tại hội nghị đối thoại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp có chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" diễn ra sáng nay (23-12) tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ hôm nay ông rất vui khi gặp mặt đông đủ các doanh nhân đại diện các mô hình kinh doanh trên cả nước. Đặc biệt có đông đủ các bộ ngành trung ương và địa phương thể hiện sự quan tâm phát triển doanh nghiệp của đất nước chúng ta.

Thủ tướng nói hôm qua ông với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở SEA Games 30 về nước. Chúng ta đoạt với 98 huy chương vàng, hàng trăm huy chương bạc và đồng. Đặc biệt bóng đá nam và nữ lần đều đoạt huy chương vàng. Đó là sự xả thân.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế

Trong thời đại toàn cầu hóa, người đứng đầu Chính phủ cho rằng doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Vì chính khu vực doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng chủ yếu, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong đưa khoa học sáng tạo vào cuộc sống. 

"Chính vì vậy, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp thì không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nhân và cá nhân xuất sắc" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh ông đánh giá cao hội nghị này để các thành viên chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đến đây để lắng nghe ý kiến của các loại hình doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục những khó khăn để doanh nghiệp phát triển và bền vững.

Thủ tướng cho biết còn chưa đầy 10 ngày nữa là kết thúc năm 2019. Ông thông tin GDP Việt Nam năm nay tăng trên 7% dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Một trong những nền kinh tế trong khu vực và thế giới tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp, lãi suất và tỉ giá ổn định.

Cũng theo Thủ tướng, chính sách tiền tệ rất quan trọng với sự phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư rất quan tâm. Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục trên 9 tỉ USD. Đặc biệt là lần đầu tiên VN cán đích kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD, xuất siêu 9 tỉ USD. Ngoại hối dự trữ cũng chưa từng có. Cuộc sống của nhân dân bình yên, ổn định. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác như nợ công 56% GDP. Thu hút vốn đầu tư tiếp tục tăng cao.

Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 có vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân VN. Nhiều nước trên thế giới cho rằng VN phát triển thần kỳ, đồng đều ở mọi tầng lớp dân cư. Mọi người đều có thu nhập.

Do đó, Thủ tướng gửi lời cảm ơn sự đóng góp to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, thậm chí có sự thầm lặng của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ tham quan gian hàng của doanh nghiệp tại hội nghị

Sự yếu kém của doanh nghiệp không thể không nhắc đến Nhà nước

Nhấn mạnh sự lớn mạnh của doanh nghiệp, theo Thủ tướng, không thể thiếu vai trò của nhà nước, ngược lại sự yếu kém của doanh nghiệp không thể không nhắc đến nhà nước. Do đó, với tinh thần đồng hành, Thủ tướng nhấn mạnh việc cắt giảm chi phí, giảm rủi ro, nhũng nhiễu thủ tục hành chính là yêu cầu đặt ra. 

Thủ tướng nhìn nhận mặc dù doanh nghiệp có nhiều thành công nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại, đặc biệt Chính phủ "thấm thía" khi hàng nghìn doanh nghiệp bị đào thải, nhiều thương hiệu doanh nghiệp bị mất đi, nên việc tổ chức các hội nghị đối thoại, gỡ nút thắt cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ bền vững hơn là cần thiết.

"Làm sao doanh nghiệp VN tăng số lượng, chất lượng và phát triển bền vững hơn" - Thủ tướng đặt vấn đề trong bối cảnh năm 2020 có nhiều ý nghĩa lớn, nên cần phải là năm đặt nền tảng quan trọng cho những thập kỷ tới.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, trở ngại vướng mắc của doanh nghiệp như quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng, tiếp cận thị trường, công nghệ, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện, nước, nguồn lực… Đặc biệt là việc thanh kiểm tra chồng lấn, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt doanh nghiệp; chấm dứt sự trì trệ nhiều sở, ngành địa phương, đá qua đá lại mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

"Cần chỉ rõ những văn bản của bộ ngành nào cản trở, chồng chéo, gây cản trở cho doanh nghiệp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu phiền hà ở địa phương hay trung ương" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hai là, Thủ tướng yêu cầu phải nêu lên những thách thức và sức ép khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại, tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, sức cạnh tranh; doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế cho kế hoạch phát triển 5 năm tới, lĩnh vực nào cần tập trung.

Ba là cần đề xuất các chính sách mang tính đột phá, cơ chế khuyến khích, nâng tỉ lệ nội địa hóa, đánh giá những lần gặp gỡ trước đây về hiệu quả, liệu có còn sự trì trệ hay đã cải thiện hay chưa?

Bốn là đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao sự tương tác, năng lực thể hiện của bộ ngành và địa phương giúp cải thiện hiệu quả. Chia sẻ chính sách hay, mô hình tốt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo. Đơn cử như mô hình cà phê doanh nhân, đối thoại doanh nghiệp hàng tuần hàng tháng, đề xuất giải pháp xoá bỏ mọi rào cản và thúc đẩy nguồn lực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp không được làm ẩu và vi phạm pháp luật, các cơ quan thanh kiểm tra, tòa án, viện kiểm sát trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau hội nghị này sẽ có nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Tuổi trẻ