Chậm khắc phục hạn chế về môi trường: Ý thức của chủ doanh nghiệp chưa tốt
Môi trường - Ngày đăng : 09:48, 24/12/2019
Công ty TNHH May mặc Hồng Phong thuê lại nhà xưởng của Công ty TNHH Diamond Clothing
Viện dẫn lý do
Đầu tháng 10 năm nay, Công ty TNHH May mặc Hồng Phong ở huyện Tứ Kỳ bị cơ quan chuyên môn kiểm tra, chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình hoạt động như không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT), không có hệ thống thu gom nước thải phân lập với hệ thống thoát nước mưa, khu lưu trữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng Phòng Kế hoạch sản xuất công ty cho biết doanh nghiệp đã bố trí khu vực kho lưu trữ chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Do đang sử dụng nhà xưởng, máy móc, công nhân và hoạt động đúng ngành nghề của Công ty TNHH Diamond Clothing nên doanh nghiệp đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ cho phép sử dụng bản cam kết BVMT của công ty này đã được UBND huyện phê duyệt.
Nguyên nhân không có hệ thống thu gom nước thải phân lập với hệ thống thoát nước mưa là do thuê lại nhà xưởng của Công ty TNHH Diamond Clothing nên việc đầu tư xây dựng các công trình trên đất phải được sự thống nhất của công ty này.
"Chúng tôi đã nhiều lần đàm phán với Công ty TNHH Diamond Clothing nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Trước mắt, công ty khắc phục tạm bằng cách ký hợp đồng với một đơn vị có chuyên môn để tư vấn thiết kế, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải dạng modun", ông Hoàn cho biết thêm.
Công ty CP Cửa gỗ Austdoor - TMD cũng bị cơ quan chuyên môn huyện Gia Lộc chỉ ra một số hạn chế trong quá trình hoạt động như không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết BVMT theo quy định, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hợp đồng xử lý rác thải nguy hại.
Theo giải thích của ông Đoàn Bá Đàm, thành viên Hội đồng thành viên công ty, do hoạt động trong cùng khu đất, cùng hệ thống nhà xưởng, ngành nghề với Công ty CP Xuất nhập khẩu nông, lâm sản TMĐ Gia Lộc nên công ty không nhất thiết phải có thêm 1 báo cáo ĐTM của riêng mình.
"Việc phải làm thêm một báo cáo ĐTM của Công ty CP Cửa gỗ Austdoor - TMD trong khi đã có báo cáo ĐTM của Công ty CP Xuất nhập khẩu nông, lâm sản TMĐ Gia Lộc là lãng phí", ông Đàm nói.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước khó khắc phục các hạn chế về lĩnh vực môi trường, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.
Tháng 8.2019, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại dự án đầu tư của Công ty TNHH Ildong Vina (khu công nghiệp Lai Cách, Cẩm Giàng).
Ban đã chỉ ra một số hạn chế của công ty trong lĩnh vực môi trường như quy mô công suất của dự án tăng sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng doanh nghiệp chưa báo cáo và lập lại hồ sơ báo cáo ĐTM theo quy định; quan trắc môi trường không đủ tần suất; giám sát thiếu thông số; 1 thông số chất lượng nước thải vượt quy chuẩn...
Đại diện Công ty TNHH Ildong Vina giải thích thực tế sản lượng sản xuất thấp hơn tổng sản lượng trong báo cáo ĐTM và việc lập hồ sơ báo cáo ĐTM quá khó khăn, phức tạp. Doanh nghiệp đề nghị không phải làm lại hồ sơ báo cáo ĐTM như yêu cầu của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
16 doanh nghiệp chưa hoàn thiện việc xử lý môi trường
Việc viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn, không khắc phục những hạn chế về môi trường thể hiện ý thức chưa tốt của chủ doanh nghiệp. Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trên địa bàn tỉnh hiện còn 73 cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường theo quyết định của UBND tỉnh.
Trong đó có 13 cơ sở đã dừng hoạt động, 44 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý, đang vận hành thử nghiệm, hiệu chỉnh kỹ thuật để hoàn thiện hồ sơ xin chứng nhận ra khỏi danh sách và 16 cơ sở chưa hoàn thiện việc xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định của UBND tỉnh.
Theo đại diện Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân quan trọng nhất khiến doanh nghiệp khó khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực môi trường là do ý thức và nhận thức pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận trước, chưa quan tâm đến công tác BVMT hoặc có quan tâm nhưng đầu tư sau. Nguồn kinh phí để đầu tư, duy trì cho công tác BVMT tương đối lớn nên hầu hết các doanh nghiệp tìm cách trốn tránh trách nhiệm.
Nhiều doanh nghiệp còn viện đủ lý do để chậm khắc phục những hạn chế đã được cơ quan chuyên môn chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, những quy định về BVMT thường xuyên có sự thay đổi khiến doanh nghiệp không thể theo kịp. Một số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực trước khi có Luật BVMT nên việc chấp hành các quy định gặp khó khăn.
LÃ VỌNG