Thách thức hậu Brexit của ông Johnson
Bình luận - Ngày đăng : 10:48, 24/12/2019
Thủ tướng Boris Johnson (trái) và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tham dự một phiên họp quốc hội hôm 19.12 ở London
Gần 4 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit), cuối cùng những người Anh ủng hộ Brexit có thể thở phào đón lễ Giáng sinh sau khi đa số các nghị sĩ ở Hạ viện ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Boris Johnson.
Chúng ta ở đây với một Hạ viện mới để phá vỡ thế bế tắc và hoàn tất Brexit. Bây giờ là lúc chúng ta rời Liên minh châu Âu để thống nhất đất nước. Thủ tướng Boris Johnson, người có chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12.12, phát biểu tại Hạ viện hôm 20.12.
Hôm 20.12, Hạ viện nước này thông qua luật Brexit với 358 phiếu thuận, 234 phiếu chống trong vòng một để dọn đường "ly hôn" EU ngày 31.1.2020 mặc dù không có thỏa thuận ràng buộc nào với EU được ký kết.
Đàm phán mới, khó khăn mới
Sẽ phải mất nhiều tháng hoặc có thể nhiều năm để kết thúc các cuộc đàm phán về sự hợp tác tương lai giữa EU và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hạ viện Anh sẽ không nhất thiết phải được hỏi ý kiến mỗi khi Chính phủ có quyết định trong quá trình đàm phán này.
Tuy vậy, việc chia tay với EU cũng sẽ không nhẹ nhàng và rõ ràng chút nào, cho dù Vương quốc Anh sẽ vẫn còn trong thị trường nội bộ EU và Liên minh hải quan tới hết năm 2020. Chính phủ Bảo thủ của ông Johnson sẽ sử dụng khoảng thời gian này để kết thúc mối quan hệ với EU sau khi bước sang năm 2021.
Các nhà quan sát tại châu Âu cho rằng khó có khả năng EU và Vương quốc Anh sẽ có thể đàm phán thành công một gói thỏa thuận "toàn diện", bao gồm các mối quan hệ trong tương lai - từ thuế quan, tình trạng của các công dân Anh sinh sống tại châu Âu và ngược lại... tới các quy định liên quan đến bằng sáng chế và khung pháp lý...
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã gọi lộ trình Brexit là "cực kỳ thách thức" nếu Anh và EU đạt được các thỏa thuận chắc chắn, bao gồm cả lĩnh vực thương mại.
Thỏa thuận Anh - EU có gì?
Thỏa thuận mà Thủ tướng Boris Johnson đạt được với EU có 10 điểm chính. Đầu tiên, Vương quốc Anh và Bắc Ireland chính thức rời khỏi EU cùng lúc. Anh bắt đầu giao dịch tự do với EU vào ngày 1.1.2021. Trước đó, Anh phải đàm phán một thỏa thuận trong tương lai hoặc gia hạn mối quan hệ hiện có với EU.
Thứ hai, Anh vẫn còn trong EU trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến ngày 1.1.2021. Trong thời gian đó, hiện trạng của Anh, bao gồm cả đóng góp cho EU, vẫn được giữ nguyên. Người Anh mất quyền bỏ phiếu ở EU.
Thứ ba, giai đoạn chuyển tiếp có thể được gia hạn đến hai năm mỗi lần.
Thứ tư, công dân EU sống ở Anh vào năm 2021 có thể ở lại. Điều tương tự cũng xảy ra với người Anh sống tại EU.
Thứ năm, Bắc Ireland vẫn còn trong Liên minh Hải quan EU. Điều này được thực hiện để đảm bảo hòa bình và kinh tế của Ireland và Bắc Ireland.
Thứ sáu, sự liên kết của Bắc Ireland với Liên minh Hải quan EU bắt đầu vào ngày 1.1.2021. Sau mỗi 4 năm, Quốc hội Bắc Ireland có thể chấm dứt liên kết này với sự chấp thuận của đa số.
Thứ bảy, không có đảng nào trong Quốc hội Bắc Ireland có quyền phủ quyết liên kết với Liên minh Hải quan EU, kể cả DUP (Liên minh Dân chủ - đảng hỗ trợ cho Đảng Bảo thủ của Boris Johnson), và vì mọi người đều là thành viên của EU, liên kết này có thể trở thành vĩnh viễn.
Thứ tám, người Anh cam kết một "sân chơi bình đẳng", duy trì các yêu cầu gần giống như EU, thí dụ như đảm bảo an toàn cho hàng hóa, các yêu cầu về môi trường và điều kiện làm việc.
Thứ chín, sẽ không có hải quan hoặc kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland. Kiểm soát hải quan sẽ diễn ra giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Hàng hóa của Anh được bán vào Bắc Ireland không phải chịu thuế EU nếu vẫn ở lại Bắc Ireland. Nếu chúng được bán lại cho Ireland hoặc được xử lý và bán lại thì phải chịu thuế EU.
Cuối cùng, sau ngày 1.1.2021, Vương quốc Anh có thể ký kết các thỏa thuận thương mại của riêng họ với các nước thứ ba, và Bắc Ireland cũng sẽ trở thành một phần của các thỏa thuận mới của Anh.
Nan giải vấn đề Scotland
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12.12, Đảng Quốc gia Scotland (SNP) đã giành được 48/59 ghế mà Scotland có trong Hạ viện Anh, tăng 13 ghế so với kỳ bầu cử trước. Chủ tịch SNP, bà Nicola Sturgeon, đã cam kết dùng thắng lợi này để đấu tranh cho quyền tự quyết định của Scotland.
Trong cuộc trưng cầu năm 2014 thì 55% cử tri Scotland đã bỏ phiếu chống lại việc rời khỏi Vương quốc Anh. Tuy nhiên sau Brexit, tình hình hẳn sẽ khác. Trong cuộc trưng cầu về EU năm 2016, 62% cử tri Scotland chọn ở lại EU.
Trong trường hợp có cuộc trưng cầu mới, và đa số cử tri ủng hộ Scotland độc lập thì Scotland vẫn rời EU cùng với Anh, sau đó lại nộp đơn xin gia nhập EU như một quốc gia độc lập. Lại thêm chuyện nhức đầu cho ông Boris Johnson!
Theo Tuổi trẻ