Lừa đảo từ thiện trên Facebook: Khi cái ác khoác áo nhân văn

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:00, 25/12/2019

Lập ra hàng chục trang facebook cá nhân, các đối tượng đã đăng tải hình ảnh các bệnh nhi đáng thương trên khắp cả nước với mục đích kêu gọi từ thiện.

Hình ảnh của cô bé chân voi và anh Nguyễn Công Đức (bố cháu) trong đợt điều trị kéo dài tại Đài Loan cuối năm 2015. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các trường hợp này đều giả mạo thông tin, hình ảnh, danh tính nhằm trục lợi.

Lời kêu cứu của cô bé chân voi

Năm 2016, báo điện tử có loạt bài viết về trường hợp của bé Nguyễn Thị Loan (Lâm Hà, Lâm Đồng). Đây là bệnh nhân nhí mắc chứng chân voi – một trong những bệnh rất khó chữa trị dứt điểm. Ngay từ khi sinh ra, Loan đã phải đi trên đôi chân không lành lặn, luôn phù nề, lở loét ra vô cùng đau đớn. Mặc dù đã được sang Đài Loan điều trị, nhưng suốt từ thời gian đó tới nay, bệnh của bé vẫn chưa thể được chữa dứt điểm. Ngày ngày, Loan vẫn chênh vênh trên chiếc chân voi để tới trường và lên rẫy.

Tháng 12.2019, từ Tây Nguyên, Loan nhắn tin cho nhóm phóng viên đã thực hiện loạt bài cách đó 3 năm. Cô bé cho hay hiện nay trên Facebook, nhiều người đã chia sẻ lại hình ảnh của bé trong đợt điều trị tại Đài Trung với những thông tin sai lệch. Các tài khoản này đều có nội dung: “Con tên: Lê Như Hạnh. Con đang mang căn bệnh u máu. Mẹ con rửa chén bát thuê còn ba con bị teo chân không làm gì được. Đăng lên đây để mong có thêm sự giúp của các Mạnh thường quân để cháu bé có tiền mổ u chân.”

Hình ảnh bé Loan bị sử dụng và gán ghép vào một câu chuyện khác để trục lợi từ các Mạnh thường quân. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

“Họ sử dụng ảnh của con cách đây 3 năm mà con không hề biết. Sao họ ác thế hả chú,” bé Loan ấm ức kể.

Để xác minh thêm thông tin, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với số điện của người được cho là mẹ của bé. Qua điện thoại, người phụ nữ này cho biết con gái chị đang được điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, khi phóng viên xin phép được vào gặp trực tiếp để chia sẻ và hỗ trợ trực tiếp thì người phụ nữ trên hứa tối cùng ngày sẽ gọi lại sau đó… cắt mọi liên lạc.

Đáng chú ý, nội dung kêu gọi quyên góp trên đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ từ cộng đồng mạng. Điều này vô tình khiến những hình ảnh đáng thương của Loan được lan rộng với thông tin không chính xác, gây ra sự bức xúc rất lớn cho gia đình bé.

Post sử dụng hình ảnh của bé Loan với những thông tin sai lệch. Ảnh chụp màn hình

“Chúng tôi không thể nghĩ có người lại nhẫn tâm lấy con gái mình ra để đưa thông tin sai lệch. Rất nhiều bạn bè đã hỗ trợ gia đình tôi trong suốt nhiều năm cháu được điều trị tại Đài Loan đã gọi điện cho tôi hỏi về việc này. Khi tôi thắc mắc với chủ tài khoản đã đăng tải thông tin trên thì ngay lập tức họ xóa Facebook và không hề có phản hồi,” anh Nguyễn Công Đức – bố bé Loan bức xúc.

Những ông bố, bà mẹ “quốc dân”

Tiếp tục tìm hiểu từ những thông tin được chia sẻ, nhóm phóng viên đã phát hiện ra một loạt yếu tố bất thường.

Cụ thể, số điện thoại trong bài viết 058.7458.xxx được cho là của mẹ cháu bé cũng đồng thời được sử dụng trong một loạt chia sẻ về các bệnh nhân nhí khác. Điển hình như trong một post kêu gọi từ thiện cũng tại Kiên Giang.

“Bé tên là Lê Thảo Anh – 17 tháng tuổi nặng 23kg. Bé đang nằm tại Khoa Nội tiết phòng cấp cứu tầng 11 Bệnh viện Kiên Giang. Sức khỏe của bé đang rất nguy kịch. Suy thận độ 3, viêm gan – gan to và gan nhiễm mỡ, viêm phổi cấp. Người bé bị phồng nước và chảy nước lúc nào cũng trong tình trạng hôn mê… Đây là số điện thoại ba bé 0587458.xxx”.

Một post kêu gọi dùng lại số điện thoại cho một trường hợp đáng thương khác. Ảnh chụp màn hình

Người sử dụng số điện thoại này tiếp tục biến thành ba, mẹ của hàng loạt các bé có hoàn cảnh thương tâm khác tại các bệnh viện khu vực phía Nam.

Đáng buồn hơn, trong một post với chiêu bài tương tự, những người “đạo diễn” còn nhẫn tâm khi dựng lên một hoàn cảnh hết sức đau lòng khi mẹ một bệnh nhân nhí bị tử vong do tai nạn giao thông, bé bị bỏng nặng khi đang chơi với bà. Chủ nhân của số điện thoại bí ẩn đầu 0587 lúc này hóa thành một ông bố công nhân trẻ tội nghiệp cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Để thuận tiện cho việc “nhận hỗ trợ”, nhóm người này thậm chí còn đăng tải công khai 2 số tài khoản kèm theo các bài viết. Cụ thể, các số tài khoản này lần lượt là 24085xx (Ngân hàng ACB) với chủ tài khoản là Huỳnh Thị H. và 27367xx với chủ tài khoản là Lê Văn H. Riêng Lê Văn H. có thêm một số tài khoản khác mở tại Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng.

Việc Huỳnh Thị H. và Lê Văn H. bỗng dưng trở thành những ông bố, bà mẹ “quốc dân” với gần 10 người con bị bỏng, chân voi, dị tật bẩm sinh… đã khiến phóng viên ngã ngửa vì quá bất ngờ.

Kịch bản chung của các đối tượng đều là sử dụng hình ảnh rất đáng thương của rất nhiều bệnh nhân nhí rồi “đính kèm” các câu chuyện đau khổ nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Nhóm này lập nhiều tài khoản Facebook rồi chia sẻ vào các hội, nhóm chuyên về từ thiện nhằm tác động tới nhiều người nhất có thể.

Với việc đóng nhiều vai, các đối tượng bỗng dưng trở thành những ông bố, bà mẹ quốc dân. Ảnh chụp màn hình

Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 11, điều 6 của Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1.6.2017) về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Mặt khác, theo khoản 1, điều 36, Nghị định 56 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực vào ngày 1.7.2017) quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”.

Như vậy, có thể thấy việc các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh các bệnh nhân nhí, bịa thêm những câu chuyện thương tâm đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em đồng thời có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong lúc đợi các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, mỗi mạnh thường quân nên cẩn trọng, xác minh rõ thông tin trước khi muốn làm từ thiện online.

Đủ chiêu trò trục lợi từ bệnh nhân

Cuối tháng 2.2019, những hình ảnh bi thương kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý của bệnh nhân B.H.M (26 tuổi, quê Đồng Nai) đang điều trị phỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy bất ngờ được tung lên mạng. Những người này thậm chí còn cho hay anh M. đang rất nguy kịch sau 2 đợt cấy da thất bại. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định trường hợp của anh M. không như nội dung được chia sẻ.

Nhiều cơ quan, bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi Đồng 1 hay chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) mới đây cũng đã phát hiện một trang fanpage giả mạo nhằm kêu gọi góp tiền ủng hộ trục lợi.

Theo Vietnam+