Nhấp link giả Western Union, mất 34 triệu đồng
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 09:11, 28/12/2019
Chứng từ ngân hàng in ra thể hiện số tiền 34 triệu đồng trong tài khoản của chị Yến đã được chuyển cho một người tên Lê Văn Vũ mở tài khoản ở Vietcombank Hà Tĩnh
Một người bán hàng online vừa bị lừa mất 34 triệu đồng vì nhấp vào trang web giả dịch vụ chuyển tiền Western Union. Cách dẫn dụ khiến nhiều người cảnh giác cũng có thể mất tiền.
Chiêu thức liên tục thay đổi
Cụ thể, chị Hải Yến - một người bán hàng online ở TP.HCM vừa bị lừa mất 34 triệu đồng cho biết hôm 22.12 có một khách hàng nhắn tin qua Facebook cho hay đang ở nước ngoài và cần đặt mua hàng để gửi cho gia đình ở Đồng Nai. Đơn hàng hơn 4,2 triệu đồng.
Trước khi gửi hàng, chị Yến yêu cầu chuyển khoản trước và nhắn cho người mua số tài khoản của Ngân hàng Vietcombank. Tuy nhiên bên mua lấy lý do "ngân hàng đang bảo trì giao dịch" nên yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng khác. Chị Yến nhắn tiếp số tài khoản của một ngân hàng nước ngoài nhưng bên mua gửi cho chị một đường link giả Western Union và một mã giao dịch đề nghị chị nhấp vô để nhận tiền.
Chị Yến đã rơi vào bẫy khi nhấp vô đường link và khai báo tên đăng nhập, mật khẩu ngân hàng điện tử, nhập cả mã OTP ngân hàng gửi đến điện thoại. Tài khoản của chị Yến sau đó bị chuyển đi 34 triệu đồng sang cho tài khoản một người tên là Lê Văn Vũ mở tại Vietcombank Hà Tĩnh.
Hốt hoảng, chị Yến gọi lên đường dây nóng ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ và đến ngân hàng trình báo. Hiện phía ngân hàng cho biết sẽ tra soát thông tin.
Mới đây, một khách hàng ở Hà Nội cũng bị mất 11 triệu đồng chỉ trong vòng 2 phút do nhấp vào đường link có giao diện màu sắc, logo, phông chữ, nền... giống website của một ngân hàng và vô tình cung cấp thông tin tài khoản và mã OTP cho kẻ gian.
Theo cảnh báo từ các ngân hàng, chiêu thức của đối tượng phạm tội liên tục thay đổi tinh vi.
Cẩn thận số điện thoại từ cơ quan chức năng
Ngân hàng Techcombank vừa cảnh báo gần đây tội phạm có khả năng cài đặt số điện thoại "ảo", khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Người dân tra lại số đúng với thực tế nên tin đây là cuộc gọi thực sự từ cơ quan chức năng và cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo.
"Một số kẻ gian thậm chí lập số điện thoại gần giống hotline của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản", Techcombank cho biết.
Cũng theo Techcombank, nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình lên trên Facebook. Do vậy ngân hàng này cảnh báo người dùng không nên cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo.
Còn Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cảnh báo hiện có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín thương hiệu của các ngân hàng nhắn tin, email với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập Internet Banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…
Thêm hình thức lừa đảo mới
Một hình thức giả mạo ngân hàng lừa đảo khác cũng mới xuất hiện gần đây là bán hồ sơ vay vốn giải ngân. Theo các ngân hàng, việc mua bán này hoàn toàn trái với các quy định hiện hành vì muốn vay vốn khách hàng phải gặp trực tiếp nhân viên ngân hàng và phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt. Chỉ khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân.
Theo Tuổi trẻ