Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị Thường trực HĐND Bắc Trung Bộ
Tin tức - Ngày đăng : 15:37, 28/12/2019
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị
Sáng 28.12, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề: “Vai trò của HĐND trong giám sát thực thi pháp luật tại địa phương thực trạng và giải pháp.”
Hội nghị do Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu chỉ đạo
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh; Đoàn đại biểu 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc chọn chủ đề hội nghị lần này là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của HĐND theo luật định, là dịp để HĐND các tỉnh nhìn lại việc thực hiện tư tưởng của Bác Hồ về công tác kiểm tra và giám sát, bởi vì theo Người, kiểm tra, giám sát khéo sẽ giảm bớt đi khuyết điểm, sẽ làm tốt hơn giám sát việc thực thi pháp luật và quan trọng hơn, từ tư tưởng đó của Người để soi vào thực tiễn để Thường trực HĐND có nhiều giải pháp tốt hơn trong vấn đề giám sát, thực thi pháp luật.
Từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Quốc hội, với Chính phủ về những vấn đề cần được quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và điều chỉnh theo quy định của pháp luật liên quan công tác tổ chức của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong thực thi quyền năng của mình ở địa phương.
Hội nghị là dịp để HĐND các tỉnh trong khu vực tăng cường quan hệ phối hợp, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong phát huy vai trò, vị trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo luật định.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy nêu một số yêu cầu trọng tâm để các đại biểu tham gia thảo luận với các nội dung như: Giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo công tác tờ trình của UBND; vai trò của HĐND trong giám sát chuyên đề thực thi pháp luật; vai trò của HĐND trong hoạt động xem xét trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Nhân dân cùng cấp và HĐND dân cấp dưới; kiến nghị, đề xuất và hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đại biểu các tỉnh về dự hội nghị
Vai trò của HĐND trong giám sát thực thi pháp luật
Sau khi nghe các ý kiến đại diện các tỉnh phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các ý kiến phát biểu tham luận và trao đổi của các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đồng thời cũng chỉ ra những bất cập, những điểm hạn chế trong hoạt động giám sát và đưa ra những phương hướng cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế và có những kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhằm khắc phục những điểm còn bất cập trong hoạt động giám sát thời gian qua.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ý kiến đóng góp và giao Ban Công tác đại biểu, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban liên quan, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét theo thẩm quyền.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là nền tảng quan trọng để hướng đến năm 2020 với nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, nước ta và từng địa phương cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với HĐND các cấp, trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của HĐND và các đại biểu HĐND thay mặt nhân dân và cử tri trong việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Hoạt động giám sát của HĐND cần bám sát, thực hiện đúng, đầy đủ quy định của luật, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tình hình thực tiễn tại địa phương để lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát củaHĐND được thực hiện bởi tất cả các chủ thể của Hội đồng, bao gồm giám sát tại phiên họp toàn thể, giám sát của Thường trực, các ban, các tổ và của từng đại biểu HĐND với nhiều hình thức giám sát khác nhau. Do đó, HĐND cần có sự đầu tư, nghiên cứu để chuẩn bị thật tốt chương trình, kế hoạch giám sát.
Hoạt động giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố cần bám sát chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về những nội dung, vấn đề sẽ triển khai giám sát trên địa bàn địa phương; cần tiếp tục đổi mới và chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Ban, Tổ đại biểu HĐND trong việc xây dựng Chương trình, kế hoạch giám sát, bảo đảm không chồng chéo về thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng giám sát, tạo sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, HĐND tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND cần có sự phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội để triển khai đồng bộ, thống nhất các chuyên đề giám sát. Trong trường hợp cần thiết, có thể ban hành nghị quyết về kết luận giám sát hoặc Đảng đoàn HĐND tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kết luận để tăng cường tính pháp lý và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tổ chức chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị giám sát.
HĐND tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phương thức giám sát trực tiếp, quan trọng để thực hiện quyền giám sát, cũng như trực tiếp đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách pháp luật.
HĐND tăng cường giám sát thông qua việc xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, phải kịp thời được phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến công tác hậu giám sát. Thường trựcHĐND, các Ban HĐND cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, hậu giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát của các đối tượng giám sát, cần thiết phải tổ chức tái giám sát và có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát của HĐND để nâng cao vai trò, vị thế của HĐND và hơn nữa là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến thực sự tại các địa phương.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động nói chung, kỹ năng giám sát nói riêng có tính chuyên sâu cho các ban, đại biểu HĐND chuyên trách; tăng cường đội ngũ tham mưu, giúp việc; chú trọng công tác hướng dẫn đối với hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND; cho ý kiến về nhân sự Chủ tịch HĐND, nhân sự Phó Chủ tịch HĐN và tham mưu phê chuẩn kết quả bầu cử, kết quả miễn nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cần tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, làm tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND các tỉnh, thành tổ chức các Hội nghị khu vực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Hội nghị khu vực.
Tại hội nghị, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016-2021.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng-Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9.
Trong không khí trang nghiêm, trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong Đoàn kính cẩn nghiêng mình bày tỏ niềm thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Trước đó, chiều 27.12, tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tới thăm và tặng quà gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Trương Đức Hai; gia đình thương binh 1/4 Trần Văn Điền.
Theo TTXVN