Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự hội nghị Chính phủ với địa phương
Tin tức - Ngày đăng : 10:15, 30/12/2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị. Ảnh: VGP
Tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, hội nghị Chính phủ với địa phương sẽ đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị.
Những năm gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến dự hội nghị, phát biểu chỉ đạo, định hướng phấn đấu cho cả bộ máy. Tại hội nghị năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh tinh thần chung của năm 2019 là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Đạt 12/12 chỉ tiêu, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và có bài phát biểu chỉ đạo là sự khích lệ to lớn để đạt được những kết quả thắng lợi của đất nước trong thời kỳ tới. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị quan trọng này.
Báo cáo về tình hình năm 2019, Thủ tướng cho rằng thành quả có được thể hiện ý chí và quyết tâm mới: Đó là những lo ngại về quy mô kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh nhưng thực tế đã đạt được mức tăng trưởng 7,02%, cho thấy quy mô càng lớn tăng trưởng càng khó khăn nhưng không phải là không đạt được.
Phân tích thêm, Thủ tướng nói năm 2019 không chỉ đạt tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới mà còn giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động thì cán cân ngân sách thặng dư, nợ công giảm và quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỉ USD, thặng dư gần 10 tỉ USD với bốn năm liên tiếp….
Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ nét đó là năng suất lao động với đóng góp của yếu với các nhân tố tổng hợp tăng, tốc độ tăng năng suất lao động trên 6,2%, cao hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ số phát triển bền vững tăng 3 bậc.
Với thông điệp không đánh đổi môi trường để tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều địa phương cũng đã lồng ghép trụ cột tăng trưởng với phát triển toàn diện, bền vững.
Cùng với sự phát triển của các thành phố đầu tàu giữ vai trò động lực, nhiều địa phương khác cũng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, thay đổi bộ mặt nông thôn và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện mạo đô thị hiện đại, tính cạnh tranh nâng lên.
"Có thể nói 2019 là năm đáng nhớ khi là năm thứ hai liên tiếp đạt 12 chỉ tiêu, hầu hết các lĩnh vực đều được tăng cường, đáp ứng tốt nghuyện vọng và niềm tin của nhân dân. Thành quả được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu với dự báo triển vọng của Việt Nam trong năm 2020, góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế" - Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới từng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ công chức, viên chức đã nỗ lực cố gắng trong năm qua.
Trong năm 2020 phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người, đến năm 2025 là 5 triệu người là thách thức lớn cho Chính phủ và địa phương, Thủ tướng cho rằng đóng góp lớn cho tăng trưởng hằng năm sẽ là khu vực lao động tăng thêm này. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần trao cơ hội việc làm tăng thêm, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng của đất nước.
Là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với quan điểm nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 2 thập niên tới để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao. Do đó, yêu cầu đặt ra là "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế" như Tổng Bí thư đã nêu.
Tăng thêm cơ hội việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Trong bối cảnh tình hình mới khi Việt Nam là nước chủ tịch ASEAN và là năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân. Theo đó, những thảo luận cần tập trung đi thẳng vào vấn đề của từng địa phương, từng ngành, các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, nhân rộng các mô hình hay để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong năm 2020.
Đồng thời, các bộ trưởng, trưởng ngành cần giải trình và làm rõ thêm các vấn đề mà địa phương nêu, gắn với xác định trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, tập trung 9 nhóm vấn đề:
Trước hết là tiếp nối và phát huy cao hơn nữa các thành tích, thành quả đạt được, đạt mục tiêu cao, thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa.
Hai là tháo gỡ rào cản môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay bất cập cơ chế chính sách, pháp luật như chỉ số tiếp cận kinh doanh, thương mại biên giới, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế… Nếu vướng mắc pháp luật phải chỉ ra điều nào, khoản nào, không được nói chung chung.
Ba là khơi thông hơn đột phá chiến lược, thể chế, hạ tầng, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, kiểm soát nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt…
Bốn là cần chỉ ra động lực mới cho tăng trưởng ở từng địa phương, từng ngành, tận dụng hiệu quả Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm…
Năm là quy mô kinh tế Việt Nam tăng 4 lần và dự báo tăng thêm, nên làm thế nào tạo nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo tiếp tục thăng hạng cao hơn.
Sáu là tạo đột phá gì cho phân cấp phân quyền, phân việc địa phương để thúc đẩy hành động sáng tạo.
Bảy là làm thế nào thực hiện chủ trương tốt của đảng phát triển văn hóa, đảm bảo công bằng xã hội, cân bằng với phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình hiệu quả, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tám là tăng cường nguồn lực an ninh quốc phòng tương xứng với nguồn lực đất nước, hạn chế thiên tai hạn hán.
Chín là đề xuất giải pháp chăm lo đời sống cán bộ các cấp, tinh giản biên chế, chi thường xuyên tiết kiệm, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 35 về chọn người có đức, có tài.
Năm cũ sắp qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần chăm lo đời sống và Tết cho người dân, đặc biệt là người vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, nên cùng thảo luận trả lời câu hỏi đưa kinh tế xã hội Việt Nam bay cao hơn, xứng đáng với truyền thống.
Theo Tuổi trẻ