Người con Hải Dương nặng tình với Phú Yên

Tin tức - Ngày đăng : 10:20, 30/12/2019

Để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, đã có hàng nghìn người con từ Hải Dương tình nguyện vào chiến trường Phú Yên chiến đấu, chia lửa.


Ông Phạm Trung Mạo (thứ 2 từ trái sang) cùng các cựu chiến binh và phóng viên thăm bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn Ngô Quyền tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên)

Họ là những giải phóng quân, vượt Trường Sơn đến với những nơi chiến sự ác liệt, sống, chiến đấu cùng chiến sĩ và đồng bào Phú Yên. Những năm tháng đồng cam, cộng khổ đã xây đắp những tình cảm thiêng liêng “Hải Dương - Phú Yên”, “Phú Yên - Hải Dương”, khắc sâu vào xương tủy, mãi mãi không bao giờ phai. Trong đoàn quân đó có giải phóng quân Phạm Trung Mạo, người lập nhiều chiến công và nặng tình với đất và người Phú Yên.

Thấm đẫm tình quân dân

Ông Phạm Trung Mạo, sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đồng Lạc, Nam Sách (Hải Dương) - vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến sự leo thang đánh phá của giặc Mỹ, gây nên cảnh chết chóc đau thương cho đồng bào ta, lòng căm thù giặc sục sôi, nên tháng 6.1965, người thanh niên Phạm Trung Mạo viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tháng 2.1966 xung phong vào chiến trường miền Nam.

Ngày 19.2.1966, chiến sĩ giải phóng quân Phạm Trung Mạo trong đội hình Đoàn pháo binh 251, từ Hải Dương được lệnh hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Phú Yên. Sau 3 tháng hành quân, ông Mạo được biên chế về Đại đội 1 (C1), Tiểu đoàn 11 (D1), Trung đoàn Ngô Quyền (sau này đổi thành Tiểu đoàn 7 (D7), Trung đoàn 10 (E10), đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT. Trong 2 năm, từ người chiến sĩ, ông trở thành cán bộ cấp đại đội, tham gia đánh nhiều trận. Chiến trường Phú Yên những năm đó vô cùng ác liệt, là trọng điểm của “chiến lược chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Ông Nguyễn Thế Truyền, nguyên Trạm trưởng Trạm Quân y E10 kể: Khi bộ đội mới từ miền Bắc vào Phú Yên, thiếu ăn, bệnh tật rất nhiều, ai trông cũng gầy nhom xanh xao. Mọi thứ đều lạ lẫm, nhất là lạ về chiến trường, lạ về phong tục tập quán, tiếng nói. Kẻ thù tuyên truyền xuyên tạc làm cho một số người dân không hiểu nên hoang mang, lo lắng, thậm chí xa lánh bộ đội. Lãnh đạo địa phương Phú Yên đã chủ động phối hợp với các đơn vị bộ đội để khắc phục tình trạng lạc đường, thiếu vũ khí, đói lương thực của bộ đội. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của chiến trường.

Đặc biệt, lực lượng vũ trang Phú Yên lúc đó đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú sang quân chủ lực để làm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường và trực tiếp xin viện trợ từ nhân dân. Cuộc sống gắn bó Bắc - Nam, bên nhau trong lửa đạn chiến tranh, vì thế mà tình cảm ngày càng trở nên keo sơn mật thiết. Nhân dân đã không tiếc thứ gì, sẵn sàng hy sinh cả xương máu để bảo vệ, che giấu bộ đội. Kỷ luật chiến trường của bộ đội hết sức nghiêm minh, “không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân”. Dù có đói đến đâu, thậm chí những đồng chí chết vì đói, nhưng từ gốc mì, trái bắp của dân trồng thì bộ đội không được hái ăn.

Trung tá Vũ Tiến Vinh, nguyên chiến sĩ E10, kể: “Là lính liên trinh nên tôi thường đi nắm tình hình, xuống tận hang ổ địch, nằm trong chuồng bò, bụng đói meo, thấy chuối dân treo để cho bò ăn, đã chín mọng. Thèm lắm, nhưng ráng nhịn để giữ nghiêm kỹ luật. Về sau, nhân dân đã hiểu sâu sắc về bộ đội giải phóng quân; các bà, các mẹ, các chị đã trải lòng thương yêu vô bờ đối với anh em bộ đội. Dành dụm từ trái bí, mớ rau, miếng bánh, nắm muối, cân đường, hộp sữa… để nuôi bộ đội”.

Vậy nên mới có câu “Bao bà cụ từ tâm làm mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra/ Cho con nào áo, nào quà/ Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi...”.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Trung đoàn 10 vào chiến trường Phú Yên (20.11.1964 - 20.11.2014), bà Nguyễn Thị Miễn, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định: “Trung đoàn Ngô Quyền vào Phú Yên chiến đấu được nhân dân tin yêu vì họ luôn giữ nghiêm kỷ luật. Có đến mấy ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn sống và chiến đấu từ năm 1965-1969, nhưng không hề để lại một điều gì tai tiếng, không có một đứa con rơi nào, dù tình cảm quân dân hết sức mặn mà, đằm thắm”. Chính tình cảm thiêng liêng đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng của người lính trên chiến trường. E10 ngày đó là nỗi khiếp sợ của bọn lính Mỹ - ngụy và quân chư hầu.

Những chiến công trên chiến trường Phú Yên

Ông Phạm Trung Mạo đã cùng đồng đội chiến đấu và giành nhiều chiến công vẻ vang, với những trận tiêu biểu được ghi vào lịch sử, như: trận ngày 15.5.1967, D11 phục kích, bám trụ đánh E26 thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ, Nam Triều Tiên tại thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An. Trận ngày 14.7.1967, trong đội hình D11, phối hợp với lực lượng địa phương đồng loạt tiến công các cứ điểm của quân ngụy và Nam Triều Tiên ở Xuân Long, sở chỉ huy của E26 Nam Triều Tiên ở Đồng Bò, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa. Trận ngày 5.9.1967, D11 phối hợp với D13, phục kích diệt viện E47 ngụy ở xã Hòa Quang, Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Trận ngày 4.2.1968, D11 phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn Công binh địch từ Bình Định vào đèo Cù Mông can viện. Trận ngày 4 và 5.4.1968, tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa…

Từ một chiến sĩ trưởng thành đến cán bộ đại đội, hai năm chiến đấu ở chiến trường Phú Yên, ông Phạm Trung Mạo luôn tỏ rõ tinh thần chiến đấu “dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, tiến công”, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy một máy bay, diệt một xe tăng. Ông vinh dự được tặng thưởng ba huân chương chiến công, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 lần tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.

Do yêu cầu của nhiệm vụ, giải phóng quân Phạm Trung Mạo theo đơn vị lên Tây Nguyên, vào Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông về hưu với cấp hàm thiếu tá, thương binh 2/4, thương tật 67%, nhiễm chất độc da cam. Ông sinh ba người con, nhưng do ảnh hưởng chất độc thời chiến tranh nên chỉ nuôi được người con trai nay đã có gia đình riêng.

Vun đắp nghĩa tình Phú Yên - Hải Dương

Nghỉ hưu, ông Mạo về quê Hải Dương rồi vào TP Hồ Chí Minh, nhưng lòng người con trai Hải Dương năm xưa vẫn hướng về Phú Yên nơi một phần đời ông đã trải qua. Mỗi lần nhớ về những trận đánh năm xưa, đồng đội xương thịt, máu me bê bết, làm vết thương cơ thể và vết thương lòng của ông nhói lên.

Ông khao khát, nuôi ước nguyện xây một nhà bia tưởng niệm, chia một phần những thứ mình có được cho đồng đội đã hy sinh ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Những ước nguyện của ông cũng được chính quyền, nhân dân Phú Yên và đồng đội cũ hết lòng ủng hộ. Ngày 31.8.2018, nhà bia tưởng niệm 167 liệt sĩ D11, E10 tại Gò Điền, thôn Mỹ Thành được xây dựng và hoàn thành.

Đến dự lễ khánh thành nhà bia liệt sĩ tưởng niệm 167 liệt sĩ D11, E10, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi về đây chứng kiến một công trình tâm linh được khánh thành. Xúc động nhất, đó là tình cảm của những người lính, các cựu chiến binh đã dành dụm, đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng công trình có ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Mậu Thân và cũng là dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Công trình này tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau rất lớn. Tôi giao chính quyền địa phương và các ngành liên quan sớm xác lập hồ sơ đề nghị công nhận công trình là di tích lịch sử, để nơi đây trở thành địa chỉ du lịch tâm linh…”.

Công trình nhà bia các liệt sĩ tại Mỹ Thành nay đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, như nhịp cầu góp phần củng cố kết nghĩa hai tỉnh Phú Yên - Hải Dương. Ông Mạo còn lặn lội, tìm kiếm kết nối thông tin hàng trăm liệt sĩ, giúp đỡ cất bốc 26 mộ liệt sĩ về an táng theo nguyện vọng của gia đình. Những việc làm của cựu chiến binh Phạm Trung Mạo đã góp phần nối tiếp truyền thống đoàn kết, thủy chung son sắt giữa hai tỉnh. Nhắc nhở trách nhiệm của chúng ta hôm nay và mai sau phải tiếp tục chăm sóc, vun trồng cho càng tươi thắm đẹp đẽ hơn.

Tôi bị thương 4 lần ở chiến trường Phú Yên, có lần nặng không đi được, anh em phải đưa về trạm trong đêm tối, nhưng khi qua bên rào ấp chiến lược vẫn có những cân đường, hộp sữa của dân lặng lẽ bỏ vào trong cáng thương binh. Giặc có thể nhốt dân, nhưng không thể nhốt tấm lòng dân đến với cách mạng

Ông Phạm Trung Mão

Theo báo Phú Yên