Cấm người uống rượu bia lái xe
Tin tức - Ngày đăng : 15:07, 30/12/2019
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
Từ ngày 1.1.2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực. Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật nêu rõ các chính sách của Nhà nước về vấn đề này, theo đó, Nhà nước ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; các chính sách nhằm giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia và có khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật quy định các cá nhân, tổ chức có quyền được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia; được phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi
Trong các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Luật, đáng chú ý có nội dung nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cụ thể, Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”
Khoản 1 Điều 21 của Luật khẳng định lại: “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.”
Đồng thời, những nội dung quy định khác tại Luật này là nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức…
Luật có điều khoản quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Mỗi gia đình có trách nhiệm hướng dẫn thành viên kỹ năng từ chối uống rượu, bia
Chương II của Luật quy định về Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Theo đó, Điều 6 đã nêu rõ mục đích, yêu cầu trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia: “Thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.”
Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phải bảo đảm các yêu cầu: Chính xác, khách quan và khoa học; thường xuyên; phù hợp, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán; chú trọng đối với học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai và cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công.
Theo quy định của Luật, các tổ chức và cá nhân không được thực hiện hành vi uống rượu, bia tại các địa điểm gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia và các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.
Theo các nội dung được quy định tại Luật này, phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác được hưởng chính sách chăm sóc, hỗ trợ, bảo về để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia. Khoản 1, Điều 25, Chương IV của Luật cho thấy, các biện pháp này bao gồm tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.
Mỗi gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia.
Theo TTXVN