Nâng cao thu nhập cho người dân: Cách làm ở Chi Lăng Nam

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:21, 31/12/2019

Những năm qua, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) có nhiều cách làm hay để cải thiện đời sống người dân.

Người dân Chi Lăng Nam tích cực sản xuất bánh đa và mở rộng thị trường tiêu thụ để tăng thu nhập

Phát huy lợi thế

Nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế như có làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái Đảo Cò nhưng do xa trung tâm huyện nên xã Chi Lăng Nam chưa khai thác tốt được lợi thế này. Phần lớn người dân địa phương vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với thu nhập bấp bênh. Trước thực trạng này, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển đa dạng các loại hình phát triển kinh tế.

Trước đây, người dân Chi Lăng Nam chỉ cấy lúa mà chưa chú trọng làm vụ đông, còn hiện tại sản xuất nông nghiệp của địa phương này đã có chuyển biến tích cực. Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa vào năm 2013, địa phương đã quy hoạch lại đồng ruộng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng. Nhờ vậy mà xã đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao như nuôi cá rô phi thương phẩm, nuôi lợn thịt; đưa nhiều giống cây ăn quả vào trồng như cam đường canh, nhãn, vải sớm...

Vụ đông cũng khởi sắc hơn khi nông dân quan tâm trồng các loại rau màu và bước đầu xây dựng mô hình liên kết trồng khoai tây với quy mô 5ha/vùng trở lên. Chi Lăng Nam cũng thực hiện quy vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung có diện tích tối thiểu 30 ha/vùng, sử dụng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao là Hương Biển, Thiên Ưu 1.

Làng nghề bánh đa Hội Yên hiện nay đã được các hộ đầu tư, phát triển bài bản, mang lại thu nhập cao. Anh Phan Đắc Thược ở thôn Hội Yên cho biết ngày trước người dân trong thôn làm nghề chỉ để giải quyết tình trạng dư thừa thóc gạo nên quy mô manh mún, nhỏ lẻ.

Sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong xã và các địa phương lân cận. Giờ đây do nhạy bén với thị trường, lại được chính quyền xã tạo điều kiện nên các hộ đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại. "Nhà tôi được xã hỗ trợ mặt bằng nên đã mở xưởng lớn với công suất 2 tấn bánh/ngày, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động", anh Thược nói.

Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện kêu gọi các tổ chức, cá nhân đến đầu tư xây dựng và kinh doanh trên địa bàn xã. Đến nay đã có một số doanh nghiệp mở xưởng may, làm hương xuất khẩu tại Chi Lăng Nam.

Nhiều hộ chuyển từ nghề nông sang sản xuất đồ gỗ, nhôm kính và kinh doanh vật liệu xây dựng. Khu du lịch sinh thái Đảo Cò cũng là cơ hội để nhiều hộ dân trong xã phát triển thương mại, dịch vụ.

"Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của du khách khi tới tham quan Đảo Cò, nhà tôi đầu t ư cửa hàng buôn bán các mặt hàng nông sản tiêu biểu. Lượng hàng tiêu thụ ổn định, kinh tế gia đình chủ yếu trông mong vào dịch vụ này", ông Nguyễn Đức Võ ở thôn Triều Dương phấn khởi nói.

Tổ chức lại sản xuất

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà kinh tế của xã Chi Lăng Nam đã thay đổi rõ nét. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 49 triệu đồng, tăng 23 triệu đồng so với năm 2014 và tăng 5,8 triệu đồng so với năm 2018.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,21%. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nên Chi Lăng Nam là một trong những địa phương điển hình trong việc nâng cao thu nhập cho người dân ở huyện Thanh Miện.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, những năm qua Chi Lăng Nam đã tận dụng tối đa lợi thế từ nội lực để thực hiện tiêu chí thu nhập. Nhờ vậy, diện mạo NTM nơi đây có chuyển biến tích cực.

Từ khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, địa phương vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và nhận được sự ủng hộ của người dân. Khi có chủ trương xây dựng NTM nâng cao, huyện đã lựa chọn xã Chi Lăng Nam để làm điểm.

Không bằng lòng với chính mình, chính quyền và nhân dân xã Chi Lăng Nam tiếp tục nỗ lực để phát triển kinh tế bền vững. Ông Vũ Kim Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết trên cơ sở kết quả đạt được, địa phương chủ động tổ chức lại sản xuất.

Trong nông nghiệp, xã vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch và làm tốt khâu dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và gia tăng giá trị sản xuất cho gần 340 ha đất nông nghiệp.

Đối với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, địa phương tạo điều kiện để thu hút lao động vào lĩnh vực này. Đặc biệt, xã đang cùng các cấp, các ngành thực hiện quy hoạch Đảo Cò. Đây là cơ hội giúp Chi Lăng Nam có thể xây dựng mô hình du lịch liên kết, mở ra hướng phát triển kinh tế đặc thù cho địa phương.

DŨNG CƯỜNG