Người dân tìm thịt lợn sạch ăn Tết
Kinh tế - Ngày đăng : 10:31, 01/01/2020
Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới Tết nhưng nhiều gia đình đã mua lợn sạch để chuẩn bị ăn tất niên
Nhu cầu cao
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không chỉ ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi mà còn tác động tới người tiêu dùng. Chưa bao giờ giá thịt lợn lại cao như hiện nay. Lo ngại vì lợi nhuận người chăn nuôi cho chất tăng trọng, chất tạo nạc trộn vào thức ăn để lợn lớn nhanh, nhiều gia đình đã bỏ ra khoản tiền lớn tìm mua lợn rừng, lợn mán.
Chị Trần Thị Mai ở thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên (Kim Thành) cho biết: “Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng chồng tôi đã nhờ người quen mua hộ 1 con lợn mán khoảng 30 kg ở Yên Bái về nuôi để dịp Tết thịt. Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đặt mua lợn mán vì loại này ăn ngon mà không bị ngán. Hơn nữa, năm nay thịt lợn đắt nên tôi cũng lo một số trang trại sẽ trộn thêm chất cấm vào cám cho lợn ăn. Còn lợn mán, bà con dân tộc nuôi bằng rau củ nên yên tâm về chất lượng".
Cũng theo chị Mai, năm nay giá thịt lợn mán từ 170.000 - 200.000 đồng/kg (chưa bao gồm phí vận chuyển), cao hơn năm ngoái khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Một con lợn nặng khoảng 30 kg có giá 5,5 - 6 triệu đồng. Trong lúc nhiều người đổ xô tìm mua lợn mán để ăn Tết càng làm cho loại lợn này bị đội giá.
Cũng như mọi năm, thời điểm sắp Tết chị Phạm Thị Quyên ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) tìm mua thịt lợn sạch để cả xóm ăn tất niên. "Tôi đang nhờ người quen ở dưới quê tìm mua giúp 1 con lợn sạch khoảng 1 tạ, được nuôi bằng bỗng rượu. Giá lợn loại này cũng chỉ nhỉnh hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thịt lợn thường", chị Quyên nói.
Khó tìm mua
Thịt lợn là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình Việt, nhất là trong những ngày Tết. Đây chính là lý do khiến chị Nguyễn Thị Hương ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đôn đáo khắp nơi tìm mua thịt lợn sạch. “Những năm trước, tôi có ông bác ở huyện Gia Lộc chuyên nuôi lợn bằng bã đậu và bỗng rượu với số lượng chỉ khoảng 20 con/lứa.
Lợn ăn phụ phẩm nông nghiệp nên thịt bảo đảm, chế biến món gì cũng ngon. Năm nay, toàn bộ đàn lợn của gia đình bác đều bị tiêu huỷ do dịch bệnh nên tôi vẫn chưa biết mua lợn ở đâu. Tôi đang nhờ bác tìm mua giúp con lợn nuôi bằng rau cám, không cho ăn thức ăn công nghiệp nhưng chưa được vì hầu hết những đàn lợn nuôi kiểu này đều bị chết do DTLCP", chị Hương nói.
Trang trại của gia đình ông Trần Văn Quyết ở khu 4, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là một trong số ít trang trại không cho lợn ăn cám công nghiệp. Trang trại nuôi 60 con lợn nái và 500 lợn thịt. Hiện trang trại có khoảng 100 con lợn đủ trọng lượng để bán vào dịp Tết. Hơn 10năm nuôi lợn nhưng ông Quyết không sử dụng cám công nghiệp để nuôi lợn thịt. Nguồn thức ăn được ông tự phối trộn từ đậu tương, ngô, cám gạo, trộn với bột cá và men vi sinh.
Do không sử dụng thức ăn công nghiệp nên thời gian nuôi lợn kéo dài hơn 1 - 1,5 tháng so với lợn nuôi công nghiệp. Bù lại, chi phí chăn nuôi giảm, chất lượng thịt lợn cũng thơm ngon. Biết được điều này, nhiều người tới hỏi mua lợn nhưng không phải ai ông cũng bán. Chỉ những người thân quen ông mới bán bởi việc cho người lạ ra vào trang trại sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm, nhất là DTLCP.
Thịt lợn sạch, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi gia đình, nhất là vào dịp Tết. Khác với những năm trước, năm nay DTLCP đã khiến phần lớn đàn lợn bị tiêu hủy. Điều này đã và đang làm cho nhiều gia đình tìm cách “săn” thịt lợn sạch cho một cái Tết an toàn.
TRẦN HIỀN