Dấu ấn Phú Yên qua những con phố ở Hải Dương

Xã hội - Ngày đăng : 18:16, 01/01/2020

Ở TP Hải Dương hiện có những con phố mang tên các địa danh của tỉnh Phú Yên anh em.

Ở TP Hải Dương có nhiều con phố được đặt tên bằng những địa danh nổi tiếng ở tỉnh Phú Yên như  Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa...

60 năm nay, Ngân Sơn, Sơn Hòa, Xuân Đài... tên những địa danh xa xôi cách đây cả nghìn cây số đã trở nên thân thuộc với người Thành Đông.

Ở tuổi 82, ông Phạm Trọng Tuấn ở phố Tuy Hòa, phường Trần Phú (TP Hải Dương) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông kể TP Hải Dương xưa có khu phố cổ Đông Kiều gồm các phố mang tên phường hội nghề nghiệp như Hàng Lọng, Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Đồng là nơi buôn bán sầm uất. Năm 1960, tỉnh Hải Dương kết nghĩa với tỉnh Phú Yên.

Một số đường phố và công trình công cộng của thị xã Hải Dương bấy giờ được đổi tên bằng các địa danh của tỉnh Phú Yên. Phố Kho Bạc đổi thành phố Tuy Hòa, Hàng Lọng đổi thành Tuy An, Hàng Đồng đổi thành Đồng Xuân, Hàng Bạc đổi thành Xuân Đài, Hàng Giày đổi thành Sơn Hòa, chợ Lớn đổi tên thành chợ Phú Yên...

"Phố Tuy Hòa trước đây là phố Kho Bạc bởi góc phố có Kho bạc thời Pháp thuộc. Sau khi Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa, phố Kho Bạc được đổi thành Tuy Hòa, tên thị xã tỉnh lỵ Phú Yên", ông Tuấn cho biết.

Cạnh phố Tuy Hòa là phố Tuy An (Tuy An là một huyện của tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều di tích, danh thắng như đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa...). Khác với hình ảnh phố kinh doanh, buôn bán phát đạt với nhiều cửa hàng chuyên bán quần áo, may mặc hiện nay, phố Tuy An xưa trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Phúc thì khá vắng vẻ và thưa dân.

Ông Phúc năm nay 73 tuổi đã lớn lên trong khu phố ấy, nơi có nhiều cửa hàng chuyên làm bánh kẹo. Trước đây, Tuy An là phố Hàng Lọng. Trong các đô thị ở miền Bắc Việt Nam bấy giờ chỉ có Hà Nội và Hải Dương có phố Hàng Lọng.

Bởi nơi đây có nhu cầu lớn về lọng, số người thi đỗ, vinh quy bái tổ cùng với lễ hội dân gian nhiều. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, không còn ai làm lọng nữa. Theo miêu tả của ông Phúc, phố Hàng Lọng ngày xưa dài hơn một chút, qua cả khu vực trụ sở cũ của UBND TP Hải Dương.

Đồng Xuân là tên huyện thuộc phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên hồi đầu thế kỷ XX, nay là huyện Đồng Xuân thuộc tỉnh này. Tên Đồng Xuân được đặt cho phố Hàng Đồng. Theo cuốn Từ điển đường phố Hải Dương xuất bản năm 2010, phố Hàng Đồng trước đây là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ đồng như mâm đồng, nồi đồng, thau đồng, đỉnh đồng và các đồ tế tự bằng đồng.

Khách bộ hành qua phố Hàng Đồng chỉ thấy một màu vàng tươi hoặc đỏ ối của các loại đồ đồng đủ loại. Phố Hàng Đồng xưa và Đồng Xuân nay tuy không lớn nhưng cũng có một số địa điểm gắn với lịch sử TP Hải Dương. 

Phố Đồng Xuân nay là một con phố đông đúc, người dân kinh doanh, buôn bán chủ yếu là quần áo, vải vóc và đồ lưu niệm. Đặc biệt, phố vẫn còn giữ dáng dấp của một phố cổ xưa với ngõ nhỏ hẹp và những ngôi nhà thấp tầng. 

Dẫn tôi đi qua phố Ngân Sơn, ông Vũ Huy Bách, 75 tuổi, nguyên Trưởng khu dân cư số 2, phường Trần Phú chỉ tay về phía chợ Phú Yên đang xây dựng bảo: "Chợ Phú Yên cũ được xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ trước, gọi là chợ Tây. Sau Cách mạng Tháng Tám, chợ Tây đổi thành chợ Lớn. Như tên gọi của nó, đây là chợ lớn nhất của thị xã Hải Dương ngày trước".

Vừa nói, ông Bách vừa khoe tấm ảnh ông chụp cổng chợ Phú Yên cũ. Ở thế hệ ông, những công trình có ý nghĩa lịch sử của thành phố như chợ Phú Yên luôn gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Đó là quãng thời gian khó khăn, thiếu thốn, hàng hóa nghèo nàn.

Người dân làm ra thứ gì thì mang ra chợ bán thứ đó để đổi lấy gạo, thức ăn. Chợ Phú Yên đang xây dựng rộng hơn 5.200 m2, với thiết kế hiện đại, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa, phát triển thương mại dịch vụ và tạo cảnh quan kiến trúc đô thị của TP Hải Dương hiện đại, văn minh. 

Ngoài ra, tại TP Hải Dương còn có một số tuyến đường mang tên các địa danh khác của Phú Yên như phố Sơn Hòa, Xuân Đài, Ngân Sơn. Xuân Đài là tên vịnh và núi của Phú Yên, là danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên.

Sơn Hòa cũng là tên một huyện của tỉnh Phú Yên. Ngân Sơn là một địa danh ở huyện Tuy An, nơi  quân địch gây ra vụ thảm sát Ngân Sơn-Chí Thạnh chiều 7.9.1954 làm 79 người chết, 76 người bị thương.

Những người sinh sống trên những con phố mang tên địa danh của Phú Yên đều chung suy nghĩ việc đặt tên cho những con phố cổ, sầm uất hay chợ lớn nhất của thị xã lúc đó thể hiện sự trân trọng, gắn bó của tình kết nghĩa 2 tỉnh Hải Dương - Phú Yên.

HÀ NGA