Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Bắt tận tay day tận trán, không thể để tự tiện ban hành'
Chính trị - Ngày đăng : 13:51, 02/01/2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ cải cách thực chất các điều kiện kinh doanh
Ngay trong ngày làm việc đầu năm 2020, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng bàn về xây dựng công cụ kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 2020-2025.
"Lộm nhộm thế là không được"
Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020 đến 2025).
Để tổ chức thực hiện, dự thảo cũng nêu vấn đề sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết Tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng bộ công cụ, kế hoạch cắt giảm, cách thức tính chi phí tuân thủ để minh bạch hoá, đánh giá sự tích cực của các bộ ngành địa phương.
Bộ trưởng dẫn chứng là hiện có tình trạng một nghị định nhưng có tới 5-7 thông tư của Bộ đưa ra. Đơn cử như Bộ Y tế, vừa có một công văn, vừa có một văn bản của Cục An toàn thực phẩm ban hành ra, cả nước phải thực hiện theo, nên tới đây Tổ công tác sẽ làm việc.
"Vậy thẩm quyền ai ban hành cái này? Ta phải xác định rõ thẩm quyền chứ không phải một lãnh đạo của Cục, vụ ban hành văn bản mà cả nước phải thực hiện, rào cản vô cùng nhiều. Một thông tư đang thực hiện thì lại ra 1 văn bản cấp cục, bỏ không thực hiện một điều trong thông tư quy định, lộm nhộm như thế là không được.
Như vậy phải xem xét, chúng ta bắt tận tay day tận trán và đưa lên báo chí, không để tự tiện ban hành, phải làm mạnh mẽ thế chứ không để tự do được", bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, cách làm sẽ theo tinh thần là một nghị định sửa nhiều nghị định, nhưng phải kiểm soát việc ban hành thông tư vì rào cản rất lớn, xuyên suốt giữa các bộ, ngành. Đồng thời, cải cách mạnh việc xuất nhập khẩu ở cửa khẩu, giảm kiểm tra chuyên ngành, giao dần cho cơ quan kiểm tra, thay vì các bộ ngành xuống.
Đồng tình, ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương (CIEM), cho rằng nếu sửa riêng rẽ các quy định thì sẽ còn tiếp tục mâu thuẫn, nên cần phải đưa vào chung một nghị định hướng dẫn các nghị định; kiểm tra chuyên ngành cũng nên đưa vào một nghị định, tức một nghị định hướng dẫn một nhóm vấn đề và nhiều luật.
Kêu khó thì mãi mãi không làm được
Với ít nhất 20% điều kiện kinh doanh và chi phí cần cắt giảm, ông Hiếu cho rằng cần tính đến con số khả thi, nên nhấn mạnh đến 20% là bãi bỏ hoàn toàn toàn văn bản chứ không nên thống kê là sửa đổi.
"Tư duy là không bãi bỏ cơ học mà thay đổi cách quản lý ít tốn kém và chi phí cho doanh nghiệp, bởi nhiều quy định không phải là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành nhưng tạo chi phí và gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Tư duy của Chính phủ là thay đổi toàn diện phương thức quản lý, làm sao để ít chi phí hơn", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho biết, thống kê của VCCI tại nhiều phụ lục, biểu mẫu đi kèm tại các thông tư của các bộ, ngành cũng "đính" điều kiện kinh doanh, nên việc chuẩn hoá lại các quy định là cần thiết. Thực tế hiện nay, việc phối hợp liên ngành hiện vẫn có vấn đề, nếu nhìn trong một lĩnh vực thì rất thuận, nhưng tính liên ngành thì lại chồng chéo, xung đột.
Đơn cử như mở cửa thị trường nếu kết hợp các thủ tục giấy phép kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng… nếu được liên thông với nhau thì sẽ rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Hay là quy trình đầu tư, nếu năm 2020 thí điểm Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, có 1 nghị định của Chính phủ hướng dẫn các luật này, thì sẽ tiết kiệm được chi phí của doanh nghiệp.
Kết luận, bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng dù khó vẫn phải làm, vì nếu kêu khó thì mãi mãi không làm được. Và khi đưa ra thì phải làm được, ai không làm được thì "đứng sang một bên".
Theo đó, ông yêu cầu Cục Kiểm soát văn bản pháp luật (Văn phòng Chính phủ) rà soát lại để có nghị quyết chuyên đề về cải cách môi trường kinh doanh. Trên cơ sở đó trình Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Kế hoạch đầu tháng 2 ban hành nghị quyết và kế hoạch thực hiện.
Theo Tuổi trẻ