Khi Việt Hòa-Kenmark "tan băng"
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 18:54, 02/01/2020
Ngay khi trúng đấu giá khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, Công ty TNHH Kỹ thuật cao An Phát đã cải tạo lại các nhà xưởng trong khu công nghiệp này
Sau gần 8 năm "đóng băng", khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark nay đã thay đổi với sức sống và diện mạo mới.
Giải tỏa "cục máu đông"
Xuân Mậu Tuất 2018, tại Hà Nội, một cuộc đấu giá đặc biệt diễn ra sau nhiều năm chờ đợi. Mùa xuân ấy đã khởi đầu cho sự hồi sinh của khu công nghiệp (KCN) vốn đã bị bỏ hoang gần chục năm qua tại Hải Dương là KCN Việt Hòa - Kenmark. KCN này đã được cơ quan chức năng và truyền thông trong cả nước nhiều lần nhắc đến như một bài học đau xót về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
KCN Việt Hòa - Kenmark rộng hơn 46 ha nằm ở vị trí đắc địa, giáp quốc lộ 5, thuộc các phường Tứ Minh và Việt Hòa (TP Hải Dương). Cuối năm 2006, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (Công ty Kenmark) của Đài Loan (Trung Quốc) được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN và xây dựng nhà xưởng cho thuê.
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án trên 98,4 triệu USD. Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, cuối năm 2009, Công ty Kenmark đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải và 13 nhà xưởng rộng 11,4 ha gồm 8 nhà xưởng đã cơ bản hoàn thành, 5 nhà xưởng đang xây dựng dở dang. Do khó khăn về tài chính, cuối tháng 5.2010, Công ty Kenmark đã xin dừng hoạt động toàn KCN. Chủ đầu tư hạ tầng bỏ về nước, để lại khoản nợ hơn 72 triệu USD tại một số ngân hàng của Việt Nam.
Nằm đối diện cửa ngõ phía tây vào TP Hải Dương, KCN Việt Hòa - Kenmark được mong chờ sẽ tạo ra sự phát triển mạnh về công nghiệp, đem lại luồng gió mới trong thu hút đầu tư cho tỉnh nhà. Nhưng khi chủ đầu tư "bỏ nợ chạy lấy người", KCN này đã rơi vào bế tắc, đất đai, nhà xưởng bị bỏ hoang. KCN này được ví như “cục máu đông” trong thu hút đầu tư của Hải Dương, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội và tác động xấu tới môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong nhiều năm.
Trải qua quá trình xử lý nợ kéo dài và gặp nhiều khó khăn giữa chủ đầu tư và các ngân hàng, tháng 3.2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thành Đô đã thuê Công ty CP Đấu giá Thành An tổ chức bán đấu giá dự án KCN Việt Hòa - Kenmark. Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát (nay là Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát) ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) trúng đấu giá. Như vậy, sau nhiều năm "đóng băng", KCN này đã có chủ mới, hứa hẹn sự đổi thay, bứt phá trong thu hút đầu tư.
Tạo sự khác biệt
Dây chuyền máy ép phun của Công ty CP An Trung (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) trong khu công nghiệp An Phát Complex
Quyết định mua lại KCN này đòi hỏi ban lãnh đạo Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát phải "cân não" bởi nó đã bị bỏ hoang quá lâu và trên đất đã có nhiều nhà xưởng dang dở, xuống cấp. Hơn nữa thời điểm đó không ngân hàng nào dám rót vốn cho nhà đầu tư vay để mua lại dự án do những “dư chấn” từ thời kỳ trước để lại. Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát cũng không phải là trường hợp ngoại lệ nên doanh nghiệp đã phải tự huy động vốn.
Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát chia sẻ, sau khi nhận được lời chào mua, công ty lập tổ công tác về dự án, phân tích những yếu tố được và chưa được. Trước khi tham gia bất kỳ một dự án mới nào, công ty đều cẩn thận xét đến từng yếu tố.
Qua phân tích, các thành viên tổ công tác nhận thấy nếu quyết tâm thực hiện, Việt Hòa - Kenmark có thể đáp ứng tốt các điều kiện nên đã chốt mua. "Chúng tôi sẽ quy hoạch KCN An Phát Complex thành một tổ hợp công nghệ cao, là nơi tập trung cơ sở sản xuất kỹ thuật cao của An Phát và tạo ra điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Tuấn nói.
Sau khi trúng đấu giá, Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát đã đổi tên từ Việt Hòa - Kenmark thành An Phát Complex, tìm hướng đi riêng, tạo sự khác biệt với các KCN khác trên địa bàn tỉnh. Chủ đầu tư không xác định lấy việc bán đất, cho thuê đất thô làm mục tiêu chính mà tập trung vào phát triển các dịch vụ đi kèm. DN đầu tư vào KCN An Phát Complex sẽ được cung cấp hàng loạt các giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính, hải quan, logistic. Vì vậy nhà đầu tư có thể yên tâm khi đầu tư vào KCN này.
Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát là một thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings. Sau khi tiếp nhận KCN này, Tập đoàn An Phát Holdings đã làm KCN này thay đổi mạnh mẽ. Đến nay, trong KCN đã có 6 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 50% và theo kế hoạch, trong năm2020 sẽ lấp đầy 100%.
"Quá trình giải quyết các tồn đọng ở KCN Việt Hòa - Kenmark bị kéo dài và gặp nhiều khó khăn nhưng nút thắt đã được tháo gỡ khi có chủ đầu tư hạ tầng mới là Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát. KCN An Phát Complex thực sự đã được hồi sinh, đang thay đổi mạnh mẽ về diện mạo, cơ sở hạ tầng và ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư", ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định.
KCN An Phát Complex trong tương lai gần sẽ trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
LAN NGUYỄN