Trường đại học được chuyển đổi hoặc liên kết thành đại học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:29, 03/01/2020
Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh có chủ trương thành lập các trường đại học thành viên trực thuộc trường
Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đưa ra các quy định liên quan đến việc chuyển đổi trường đại học thành đại học hoặc liên kết các trường đại học thành đại học.
10 ngành tiến sĩ, 15.000 sinh viên
Theo đó, để chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học, trường phải hội đủ các điều kiện: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp, có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập, có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ và quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.
Ngoài ra, phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học bao gồm: tờ trình đề nghị chuyển trường đại học thành đại học, nghị quyết của hội đồng trường. Có đề án chuyển trường đại học thành đại học, dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của đại học, các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành chuyển đổi (nếu có), đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý.
Hồ sơ chuyển đổi được gửi cho Bộ Giáo dục và đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc thành lập trường đại học thuộc cơ sở giáo dục đại học theo khoản 2 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cụ thể: có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên, có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo.
Liên kết 3 trường đại học thành đại học
Ngoài việc chuyển đổi trường đại học thành đại học, nghị định cũng quy định chi tiết việc liên kết các trường đại học thành đại học. Theo đó, phải có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Các trường tham gia liên kết phải xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung, các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản. Ngoài ra, phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Trường đại học đại diện các trường tham gia liên kết gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và đào tạo. Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo Tuổi trẻ