Trường tự chủ, giảng viên nhận thưởng Tết 65 triệu đồng

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:39, 04/01/2020

Theo các chuyên gia, tự chủ đại học là xóa được cơ chế "xin - cho" sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền đại học nước ta.

Nói về thưởng Tết 2020, Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng thông tin: “Thưởng Tết thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là 65 triệu đồng”. Ảnh: Thùy Linh

Tuy nhiên, vấn đề tự chủ đại học đặt ra nhiều năm như vậy nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng lý giải tự chủ không đơn thuần là chuyện phân công, phân cấp mà là để phát huy nguồn lực nhằm tạo ra chất lượng tốt hơn, mà cuộc sống thì luôn thay đổi và đòi hỏi yêu cầu cao hơn. 

Dù chưa đi đến hồi kết khi bàn thảo nhưng điều không thể phủ nhận là các trường đại học công lập khi thực hiện tự chủ đã gặt hái được không ít thành công. 

Cụ thể, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (HCMUTE).

Theo đó, trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cụ thể, quyết định quy mô đào tạo, mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với thế mạnh của trường và nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, được Hội đồng trường quyết nghị thông qua.

Chia sẻ tại hội thảo về tự chủ đại học của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày 3.1, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng HCMUTE cho biết chỉ sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ với ngân sách tự có tăng 25%, thu nhập bình quân tăng 150%, quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên tăng 300%, kinh phí dành cho đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành thí nghiệm tăng 400%.

"Cụ thể, trước tự chủ, ngân sách tự có của trường khoảng 150-180 tỷ/năm thì hiện tại khoảng 450-500 tỷ/năm. Quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên trước đó chỉ 12 tỷ nay đã tăng lên 36 tỷ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho trang thiết bị cơ sở vật chất trước đây khoảng 50 tỷ/năm thì nay tăng lên 250 tỷ/năm"- ông Dũng cho hay.

Đặc biệt, hiện nhà trường đã tiếp nhận tài trợ học bổng và trang thiết bị từ các doanh nghiệp với tổng trị giá 8,625 tỷ đồng.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng thừa nhận ông có quá trình học tập thạc sĩ quản lý giáo dục ở Úc đã chắt lọc tinh hoa để áp dụng vào trường chứ không quản lý theo kinh nghiệm, lấy sinh viên làm thí điểm và làm theo phương pháp sửa sai, chính vì vậy, trường không chọn hướng đi phát triển ào ạt mà chọn theo hướng thực dụng, do đó HCMUTE đã áp dụng mô hình “Learning by making” vào chương trình đào tạo ở hầu hết các ngành, đồng thời đẩy mạnh và tạo điều kiện phát triển ý tưởng sáng tạo trong sinh viên bằng nhiều hình thức.

Theo đó, kết quả gặt hái nhiều thành tựu như giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên và là trường duy nhất có 2 đội sinh viên lọt vào chung kết cuộc thi sáng tạo cho sinh viên khu vực do Chính phủ Singapore tổ chức.

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Tại HCMUTE, mức thu nhập bình quân của phó giáo sư khoảng 63 triệu đồng/tháng. Con số này đối với các tiến sĩ là 33 triệu đồng. Hiện tại, nhà trường có 42 phó giáo sư và 152 tiến sĩ”..

Nói về thưởng Tết 2020, thầy Dũng thông tin: “Thưởng Tết thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất là 65 triệu đồng”.

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết để có được những con số nêu trên, trường đã thực hiện cơ chế tự chủ từ 30.6.2017 đến nay. Khi tự chủ, nhà trường phải gắn đào tạo với thực tiễn, với nền kinh tế, đào tạo ra sinh viên phải làm được việc.

Muốn làm được điều đó thì trường xác định triết lý giáo dục là Nhân bản – Sáng tạo – Hội nhập. Đây cũng là chiến lược về nhân lực - yếu tố quyết định chất lượng đào tạo.

"Chỉ khi nào thu nhập đủ sống, người giỏi mới gắn bó, tránh chảy máu chất xám", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo báo Giáo dục Việt Nam