Chứng khoán tuần tới: Tiếp tục giai đoạn giằng co và tích lũy
Thị trường - Ngày đăng : 17:38, 05/01/2020
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Nhận định diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tuần tới, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo hướng giằng co, đi ngang trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 954-955 điểm và cận trên 969-972 điểm.
Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền có thể hình thành sự dịch chuyển luân phiên qua các nhóm cổ phiếu.
BVSC cũng nhận định về mặt xu hướng của thị trường trong ngắn hạn, chỉ số vẫn cần bứt phá thành công qua vùng kháng cự 969-972 điểm để bước vào nhịp tăng điểm rõ nét hơn với đích đến nằm tại 985±3 điểm trong thời gian tới.
Dòng tiền đang có dấu hiệu trở lại nhóm cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của công ty nổi tiếng, doanh thu ổn định và không có nợ quá mức cho phép). Đây là nhóm cổ phiếu được BVSC đánh giá vẫn còn tiềm năng tăng trưởng về giá trong giai đoạn đầu năm mới.
Do đó, các nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu này trong nửa đầu tháng 1 được xem là cơ hội để mua vào cho các nhà đầu tư. Các nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn đầu năm mới gồm có bất động sản, bán lẻ, thép, dầu khí, công nghệ…
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang trong tuần giao dịch qua. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index chỉ tăng 1,63 điểm lên 965,14 điểm; trong khi HNX-Index giảm rất nhẹ (0,212 điểm) xuống 102,39 điểm.
Giới đầu tư rõ ràng là đang tỏ ra rất thận trọng khiến thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần, chỉ khoảng hơn 2.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Điểm qua diễn biến của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường có thể thấy rõ sự giằng co, nhưng nhìn chung vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Các cổ phiếu họ Vingroup tăng trưởng mạnh mẽ giúp nâng đỡ chỉ số VN-Index rất lớn. Cụ thể, VRE tăng 3,9% và VHM tăng 1,3%. Trong khi đó, VIC gần như đi ngang khi giảm 0,1%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng tăng giá mạnh. Các cổ phiếu đại diện như HPG tăng 4,9%, HSG tăng 1,1%, NKG tăng tới 11,6%. Như vậy, cổ phiếu thép có sức mức tăng trưởng mạnh nhất trong tuần qua.
Tuần qua, Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG) vừa công bố thông tin kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về hàng hóa xuất đi Mỹ của NKG.
Trong khi đó, với quyết định cuối cùng của DOC, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG - sàn HOSE) cũng sẽ xuất khẩu vào Mỹ theo Quy trình xét xuất xứ và được loại trừ khỏi biện pháp áp thuế.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục mạch tăng giá. Cụ thể, VPB tăng tới 3,6%, CTG tăng 3,1%; HDB tăng 2%, TCB tăng 1,9%, SHB tăng 1,6%, ACB tăng 1,3%, BID tăng 1,1%, VCB tăng 0,2%... Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có lẽ được hưởng từ kết quả kinh doanh. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoài ra, thị trường còn được nâng đỡ của một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn như: VNM tăng 1,1%, VJC tăng 2,9%, MSN tăng 0,9%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều giảm giá có GAS giảm 1,4%, POW giảm 2,3%, trong khi đó thì PLX tăng 2,2%, PVD tăng 3,3%, PVC tăng 3%, PVS tăng 2,3%.
Ở chiều tiêu cực, đáng chú ý SAB giảm tới 3,8%, Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc ngành bất động sản cũng lao dốc như: NVL giảm 1,5%, NLG giảm 1,1%, DXG (4,2%), KDH (1,7%)...
Điểm tích cực của thị trường tuần qua là việc khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng dù không quá mạnh. Theo đó, tổng khối lượng khối ngoại mua ròng đạt 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 62,3 tỷ đồng.
Tuy vậy, những diễn biến mới trên thị trường thế giới có thể gây ra những trở ngại cho thị trường chứng khoán Việt Nam vào tuần tới.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến phiên giảm điểm khi các nhà đầu tư lo ngại về vụ không kích mới nhất của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc xung đột trong tương lai.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 3.1), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 161,52 điểm, tương đương 0,56%, xuống còn 28.707,28 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 13,49 điểm, tương đương 0,41%, xuống còn 3.244,36 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 42,35 điểm, tương đương 0,47%, xuống còn 9.049,84 điểm.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao trong phiên giao dịch ngày 3.1 sau khi Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.
Vụ tấn công này đã làm các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng tại Trung Đông có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này. Sau khi giao dịch ở mức cao 64,09 USD/thùng, giá dầu WTI giao sau đã tăng 1,87USD lên mức 63,05 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng tăng 2,35 USD lên mức 68,60 USD/thùng.
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), xung đột địa chính trị có thể gây tâm lý lo ngại tạm thời. Căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ khiến thị trường tài chính phản ứng mạnh theo hướng có lợi cho người nắm giữ vàng và trái phiếu chính phủ, những tài sản trú ẩn rủi ro.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu có thể điều chỉnh với thông tin có tính bất ngờ này. Đà tăng giá của thị trường Mỹ đang khá mạnh nên điều chỉnh khó có khả năng kéo dài.
Ở Việt Nam, thị trường cổ phiếu vẫn tiếp diễn trạng thái tích lũy với đặc điểm giá ít biến động và giá trị giao dịch thấp. Chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng 960 +/-10 điểm trong vòng một tháng gần đây.
"Chúng tôi nghĩ thị trường sẽ lạc quan hơn khi VN-Index vượt qua vùng cản 970 điểm. Xung đột địa chính trị có thể gây tâm lý lo ngại tạm thời nhưng ít khả năng tạo ra thay đổi lớn cho xu hướng thị trường," nhóm phân tích tới từ VNDIREC nêu quan điểm.
Có quan điểm tương đồng, nhận định về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cho tuần giao dịch tới, nhóm phân tích tới từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng với dòng tiền yếu cùng tâm lý không mấy lạc quan như thời điểm hiện tại thì giai đoạn giằng co và tích lũy có thể tiếp tục.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (6-10.1), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-970 điểm như diễn biến của năm tuần trước đó với nền tảng thanh khoản ở mức thấp.
Theo TTXVN