Xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp

Tin tức - Ngày đăng : 13:46, 06/01/2020

Sáng 6.1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương… cùng dự hội nghị.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng chỉ rõ năm 2019, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Nội chính Đảng, của Ban Nội chính Trung ương với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong lĩnh vực nội chính, nhất là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các cán bộ chủ trì hội nghị

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn. Bên cạnh đó, tình hình hình thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá, triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc trong xã hội để kích động tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự... "Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, các đồng chí cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong thời gian tới", Thường trực Ban Bí thư lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản; tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để "không thể tham nhũng", nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu, công khai, minh bạch cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, ngành Nội chính Đảng cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Ngành Nội chính Đảng phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

"Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn… không để phát sinh “điểm nóng” bị động, bất ngờ. Phải quyết liệt hơn, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết triệt để tình trạng người dân các địa phương tụ tập đông người trước các cơ quan Trung ương, phải giải quyết tận gốc của vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc khiếu kiện làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý ngành Nội chính Đảng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự liêm chính, trong sạch, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị nêu cho biết:  Năm 2019, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan nội chính ở Trung ương và địa phương, ngành Nội chính Đảng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ngành đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng... chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 17 vụ án, 32 vụ việc.

Nhờ những nỗ lực, trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Vinashin; Vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á; Vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone. Trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch có giá trị trên 23.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án có nhiều chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý khá kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

TTXVN - PV